X

Trẻ dị ứng thức ăn có biểu hiện như thế nào?

Dị ứng thực phẩm là phản ứng tiêu cực với thực phẩm xảy ra do cơ thể không chấp nhận một loại thức ăn nào đó. Dị ứng thức ăn có thể xảy ra với nhiều triệu chứng khác nhau, như ngứa ngáy, nổi mẩn trên da, mề đay, tiêu chảy… Trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới đường hô hấp gây khó thở, sốc phản vệ…

Biểu hiện của dị ứng thực phẩm ở trẻ em
Các biểu hiện thường gặp nhất của dị ứng với thực phẩm là tình trạng tổn thương ở da như: nổi mề đay hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng nặng của bệnh chàm. Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau quặn bụng và tiêu chảy dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn. Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở nhiều khi rất dữ dội. Trong một số ít trường hợp dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ và gây tử vong, nhất là ở những trẻ em dưới 2 tuổi. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng là hải sản, trai, ốc, trứng, sữa bò, lạc hạt….

Đặc điểm nhận biết bé bị dị ứng thức ăn
Các phản ứng bé bị dị ứng thức ăn có thể xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc có thể lên tới vài ngày. Vì vậy, khi mẹ bắt đầu cho con ăn một loại thức ăn mới, hãy theo dõi phản ứng của bé trong vòng từ 3 – 5 ngày. Biểu hiện hay gặp: bé bị đau bụng, nôn/trớ, đầy hơi, đi phân lỏng, đi tướt hoặc bé có thể sốt, mệt, mồ hôi chảy hoặc thấy lạnh, bên cạnh đó trẻ còn ngạt mũi, thở khò khè, chảy nước mũi.

Biểu hiện dễ nhận thấy: bé bị nổi mề đay, ngứa, chàm, viêm da. Bản thân bé sẽ cảm thấy trong người khó chịu, bứt rứt không yên, có những sự thay đổi hành vi so với thói quen thông thường của bé.

Biểu hiện chung của tất cả các loại dị ứng thức ăn là bé không lên cân tẹo nào mặc dù ăn uống vẫn rất tốt.

Có những trường hợp bị sốc phản vệ đe dọa tính mạng do dị ứng thức ăn với các triệu chứng sau: xảy ra sau khi ăn 5-15 phút, thấy khó thở, tay chân lạnh, da nhợt nhạt, toát mồ hôi, không sờ thấy mạch, gọi hỏi không biết….

Các phương pháp điều trị và phòng tránh dị ứng thức ăn
Tốt nhất, nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu tiên.

Nếu mẹ ít sữa, hãy chọn cho bé các sản phẩm thay thế ít thành phần gây dị ứng.

Khi cho bé ăn dặm, ban đầu chỉ cho bé ăn tinh bột (bột gạo) nấu với các thức ăn giàu dinh dưỡng khác. Sau một thời gian mới nên thêm đậu đỗ… Khi con được 7 tháng trở lên, mới nên tập cho ăn dần tôm, cua, cá, lươn và hải sản…

Tránh cho bé dùng các loại thức ăn chế biến theo lối công nghiệp như thịt lợn xông khói, thịt lợn muối, xúc xích… vì có chất phụ gia, chất bảo quản, các chất nhuộm màu nhân tạo.

Để bé quen với một loại thức ăn mới, hãy cho bé ăn từ từ, từng chút một, theo dõi trong khoảng từ 3 – 5 ngày. Trong quá trình cho con ăn, có dấu hiệu nghi ngờ gì, mẹ phải dừng món ăn đó lại ngay lập tức.

Khi biết bé dị ứng với một loại thức ăn nào đó, nên loại bỏ nó ra khỏi thực đơn của bé. Cũng không nên chế biến hoặc đựng thức ăn của bé trong các âu bát có dính các thức ăn mà trẻ dị ứng. Nếu bé lớn đi mẫu giáo hoặc mẹ nhờ người trông hộ, hãy dặn người chăm sóc bé những thức ăn mà bé hay bị dị ứng.

Tuy nhiên, dị ứng thức ăn không kéo dài suốt cả đời, chính vì thế mẹ không cần bắt bé kiêng khem kéo dài một loại thực phẩm nào cả. Sau một thời gian, mẹ có thể thử tập cho bé ăn lại thức ăn đó (ngoại trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ).

Nếu đã có dấu hiệu bị dị ứng thức ăn cần sơ cứu: chườm đắp nước ấm, uống nhiều nước, nhanh chóng đưa đi khám ở bệnh viện. Nếu bị sốc phản vệ đe dọa tính mạng bệnh nhân với các triệu chứng nêu phía trên cần hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nếu có ngưng thở, ngưng tim), khẩn cấp chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa giúp trẻ thoát khỏi nguy cơ tử vong.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia