X

Trẻ ho có phải kiêng ăn cá, tôm, cua không?

Theo dân gian, trẻ bị ho cần phải kiêng khá nhiều thứ như cua, tôm, thịt gà, rau cải…, chưa có chứng cứ khoa học cho thấy những thực phẩm này khiến trẻ ho nặng hơn và nếu kiêng như vậy khiến trẻ bị thiếu dinh dưỡng. Trẻ bị ho thường biếng ăn và cần có cách chăm sóc đặc biệt để bình phục nhanh chóng. Ho là phản ứng bình thường khi bộ máy hô hấp bị kích thích, như khi thở hít phải hơi hóa chất, khói bụi… hoặc bị dị vật rơi vào đường thở như sặc nước, sặc thức ăn, vật lạ chui vào mũi… để tạo phản xạ đẩy vật lạ ra ngoài. Thậm chí thành ngực bị nước lạnh kích thích cũng có thể gây ho. Về bệnh lý, ho có thể do hen suyễn, do viêm nhiễm vi khuẩn, virus hoặc dị ứng thức ăn. Khi trẻ bị ho nhiều, có thể kèm theo sốt, hoặc sau cơn ho bị nôn ói, tiếng thở rít…, cần đưa trẻ tới bệnh viện khám để chẩn đoán nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn đảm bảo sức khỏe cho trẻ cũng là biện pháp rất cần thiết để trẻ nhanh chóng phục hồi.

Khi trẻ bị ho, nếu không do dị ứng không cần phải kiêng ăn thứ gì. Chỉ riêng người bị ho do hen suyễn cần tránh những thức ăn mà người bệnh hay bị dị ứng gây ho nói riêng, lên cơn hen nói chung như trứng, tôm, cua, cá, sữa bò….

Khi trẻ bị ốm, ho, cơ thể mệt mỏi dễ dẫn đến chán ăn, ăn ít hoặc bỏ ăn. Có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa nếu trẻ ho nhiều, mệt. Cha mẹ cần chú ý, không nên nấu quá loãng  thức ăn hơn thường lệ vì điều đó khiến trẻ đã ăn ít lại càng bị thiếu hụt về chất dinh dưỡng. Vẫn duy trì cho mỡ, dầu vào bột hay cháo của trẻ ngay cả khi trẻ bị sốt kèm theo tiêu chảy.

Trẻ rất cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng đầy đủ dưỡng chất như súp, cháo, sữa… Nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm, chất sắt và caroten như: các loại thịt bò, lợn, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ, da cam…. Cần hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như chiên, xào… Đối với món cá, tôm, đôi khi trẻ có cảm giác tanh, dễ gây nôn, trong những trường hợp như vậy nên đợi sau khi bé hết bệnh thì cho ăn trở lại. Những trường hợp vẫn ăn bình thường được thì không cần kiêng.

Không nên cho trẻ ăn thực phẩm lạnh, uống nước, sữa lạnh hoặc quá nhiều các thực phẩm béo, ngọt; cũng không nên cho trẻ ăn lạc, hạt dưa, chocolate bởi đây là những thực phẩm có thể làm tăng lượng đờm khi ăn.

Trẻ ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm nhớt, vì thế trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về ung trẻ nhằm giúp đờm nhớp không còn đọng ở cổ họng bé. Điều này giúp trẻ đỡ ho và ăn bớt nôn. Lúc Bình thường, trẻ có thể ăn 6 lần/ngày (kể cả bữa bột và bữa sữa) nhưng lúc trẻ ho có thể tăng 8 – 10 lần/ngày, mỗi lần ăn một ít, do đó có thể cách khoảng 2 giờ cho trẻ ăn một lần. Tuyệt đối khi trẻ đang ho, khóc không được ép trẻ ăn, uống bởi việc làm này có thể dẫn đến việc trẻ hít vào phế quản thức ăn, nước uống, dẫn đến sặc, hóc dị vật và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia