X

Sử dụng men tiêu hóa cho trẻ như thế nào?

Men tiêu hóa là một hỗn hợp các enzyme (men) khác nhau có tác dụng chuyển hóa các thức ăn chủ yếu là chất bột đường, chất đạm và chất béo. Đó là những xúc tác sinh học cho hầu hết các phản ứng chuyển hóa thức ăn xảy ra trong cơ thể sống.

Bình thường trong cơ thể các men tiêu hóa có trong nước bọt như amylase để phân giải tinh bột. Trong dạ dày có pepsin phân giải protein (đạm) của thức ăn thành các mạch dài  (polypeptra) hoặc ngắn (pepton), lipase Tác dụng tiêu hóa lipid của trứng và sữa đã được nhũ tương hóa, men sữa caseinogen (Lact – ferment remin) phối hợp với ion Ca++ phân giải protein hòa tan của sữa thành các caseinat Ca kết tủa được giữ lại ở dạ dày, còn phần lỏng gọi là nhũ thanh được đưa ngay xuống ruột non, acid clohydric (HCL) có trong dịch vị dạ dày làm tăng hoạt tính của pepsin.

Ruột non là nơi hoàn tất quá trình tiêu hóa các thức ăn và thực hiện hấp thu các chất dinh dưỡng qua niêm mạc vào máu. Ở ruột non có 3 loại dịch tiêu hóa là dịch tụy, dịch mật và dịch ruột.

Trong dịch tụy có men tiêu hóa protid (đạm) gồm có: trypsin, chymotrysin và carboxypeptidase; men tiêu hóa lipit (béo) gồm có: lipase tụy, phospholipase và cholesterol esterase; men tiêu hóa gluxit (đường bột): gồm có amylaza và m altase. Như vậy trong thực tế dịch tụy có thể thay thế cho tất cả các dịch tiêu hóa khác. Khi bị suy dinh dưỡng, tuyến tụy bị teo đét, khả năng bài tiết dịch tụy giảm đi làm rối loạn nghiêm trọng việc tiêu hóa và hấp thu.

Dịch mật: Do gan bài tiết ra. Mật gồm muối mật và sắc tố mật. Muối mật làm nhũ tương hóa tất cả các lipid thức ăn làm tăng tác dụng của các men tiêu hóa, góp phần hấp thu các sản phẩm tiêu hóa của lipid. Muối mật còn cần thiết cho việc hấp thu các vitamin tan trong dầu gồm vitamin A, D, E, K.

Dịch ruột: Cũng có đầy đủ các nhóm men tiêu hóa proteid, lipid và glucid, có tác dụng phân giải các sản phẩn trung gian thành các sản phẩm cuối cùng giúp cơ thể hấp thu được như axit amin, axit béo, phân tử glucose. Tại ruột có men tiêu hóa protid gồm aminopepti- dase, dipeptidase; men tiêu hóa lipid gồm lipase, cholesterol esterase và phốtpho lipase và men tiêu hóa glucid gồm amylase và maltase, men lactaza tiêu hóa đường lactose, ngoài ra còn có saccharase.

Qua phần giới thiệu trên, chúng ta thấy men tiêu hóa được bài tiết ở nhiều bộ phận của hệ thống tiêu hóa. Nên tôn trọng hệ thống men tiêu hóa tự nhiên của cơ thể, việc sử dụng men tiêu hóa bổ sung từ bên ngoài cần cân nhắc để không ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thu của trẻ.

Vậy khi nào nên bổ sung men tiêu hóa?
Với những trẻ bình thường có biểu hiện chán ăn từng đợt, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để khắc phục. Có thể sử dụng các thức ăn chứa men tiêu hóa tự nhiên như mầm thóc, giá đỗ (giúp làm loãng bột cháo để tăng cường tiêu hóa và hấp thu tinh bột). Sữa chua cũng là thức ăn hỗ trợ men tiêu hóa rất tốt, lại có tác dụng kiềm chế các vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn lên men thối trong ruột. Với những trẻ này, không nên dùng men tiêu hóa dưới dạng thuốc vì ít có tác dụng, trường hợp cần dùng phải tuân theo sự chỉ định của thầy thuốc.

Khi trẻ biếng ăn hay sau một đợt ốm, đặc biệt là tiêu chảy dẫn đến bị thiếu hụt các men gây rối loạn tiêu hóa và hấp thu, ỉa phân sống, kém ăn. Ngoài việc tìm các nguyên nhân thực thể để điều trị thì việc dùng men tiêu hóa để kích thích cho trẻ ăn nhiều hơn ngon hơn chỉ coi như là một sự hỗ trợ khởi động và chỉ nên kéo dài 7-10 ngày. Sau đó trẻ ăn tốt hơn, hệ thống tiêu hóa của cơ thể lại tự bài tiết ra các men tiêu hóa thì không cần dùng men tiêu hóa nữa.

Khi trẻ bị kém ăn sau một đợt ốm dài ngày gây suy dinh dưỡng, trẻ bị bệnh xơ nang tuyến tụy bẩm sinh, teo mật, cắt đoạn ruột sau phẫu thuật.v.v… các tuyến tiêu hóa bị tổn thương nên giảm bài tiết men tiêu hóa. Song song với việc cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng thì cần cho thêm một số men tiêu hóa như Pepsin (men dạ dày), Pancreatin (men tụy)… hoặc phối hợp nhiều men. Trừ trường hợp bị tổn thương tuyến tiêu hóa bẩm sinh, còn thì chỉ nên dùng men tiêu hóa từng đợt 1-2 tuần, không nên dùng kéo dài; nếu không sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết và dẫn đến teo đi.

Hiện nay, ngoài các men tiêu hóa thực sự, còn có một số loại chế phẩm sinh học chứa các vi sinh vật có ích khi uống vào nhằm cải thiện sự cân bằng của hệ vi khuẩn ruột và có lợi ích cho sức khỏe của người sử dụng. Trong trường hợp này không nên gọi là men tiêu hóa mà nên gọi là “men vi sinh” hay gọi theo tiếng nước ngoài đã trở thành thông dụng là “probiotic”. Probiotic có nguồn gốc vi sinh vật và có nghĩa là “trợ sinh” (trợ giúp sự sống). Trong ruột con người hiện diện rất nhiều loại vi khuẩn (VK) tạo thành quần thể gọi là hệ vi khuẩn ruột. Trong hệ này có cả VK gây bệnh và VK có ích. Chính các VK có ích giúp tiêu hóa tốt thức ăn, tiêu sạch và tái hấp thu phần thức ăn còn sót lại ở ruột già, giúp tổng hợp một số vitamin nhóm B,  vitamin K… Các Probiotic giúp cân bằng VK có ích với VK có hại, làm cho VK có hại không tăng sinh
phát triển quá đáng gây bệnh. Các chủng vi sinh vật được sử dụng bào chế men vi sinh phải an toàn và được công nhận có tác dụng chữa trị hiệu quả như: Lactobacillus acidophilus, L. ramonosus, Bacillus longum, B. lactic… Nếu được chọn chủng tốt (theo công nhận WHO/FAO), nhất là các chủng có nguồn gốc từ người (phân lập từ ruột) thì cũng an toàn như thực phẩm. Tuy nhiên vì lượng vi khuẩn đưa vào sản phẩm cao (hàng trăm triệu đến hàng tỉ), cho nên để an toàn phải sử dụng đúng theo liều lượng chỉ dẫn của thầy thuốc và nhà sản xuất.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia