X

Những phụ gia thực phẩm nào nên cảnh giác?

Dưới đây là những phụ gia được phép sử dụng ở nhiều nước tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng.

Sodium nitrite

Chất bảo quản được sử dụng phổ biến trong các đồ nguội như thịt xông khói, xúc xích…. Sodium nitrit kết hợp với các amin có trong chất đạm để tạo thành nitrosamine, một chất có khả năng gây ung thư. Năm 2006, Viện Karolinska ở Stockholm Thụy điển đã công bố một nghiên cứu được tổ chức này tiến hành trong 20 năm với hơn 61.000 phụ nữ Thuỵ Điển. Những người ăn đồ nguội nhiều nhất trong số này có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp đôi bình thường. Một nghiên cứu khác tại Barcelona (Tây Ban Nha) cũng cho thấy có mối liên quan giữa ung thư dạ dày với rau, cá và một số sản phẩm khác bảo quản bằng Sodium nitrite. Nếu sử dụng nhiều hay thường xuyên các thực phẩm được bảo quản bằng Sodium nitrite sẽ không tốt cho sức khỏe.

Potassium bromate

Được dùng trong khâu xử lý bột mỳ để làm bánh. Có những nghiên cứu cho thấy Potassium bromate có thể gây ung thư trên động vật. Nó còn có thể là thủ phạm gây ra những biến đổi bất thường trên tế bào máu người trong điều kiện thí nghiệm. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không cấm sử dụng Potassium bromate nhưng cũng cho rằng các nhà sản xuất không nên lạm dụng chất này. Ở nhiều bang của Mỹ các sản phẩm có Potassium bromate phải ghi khuyến cáo trên bao bì.

Partially hydrogenated vegetable oil

Nhiều người đã biết đến sự nguy hiểm của chất béo trans. Chất này làm nghẽn mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, alzheimer, tiểu đường, béo phì, vô sinh và nhiều vấn đề khác về sức khoẻ. Trên bao bì thực phẩm chất béo trans thường được ghi là Partially hydrogenated vegetable oil hoặc hydrogenated vegetable oil (dầu thực vật hydro hoá). Đây là chất sử dụng nhiều trong sản phẩm bánh quy, khoai tây chiên… Nhiều tổ chức hoạt động vì sức khoẻ đang đấu tranh đòi cấm sử dụng chất này trong chế biến thực phẩm. Người tiêu dùng, đặc biệt là người có tiền sử bệnh tim mạch nên hạn chế tối đa hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có thành phần Partially hydrogenated vegetable oil khỏi bữa ăn hàng ngày.

Một số chất tạo màu thực phẩm

Chất tạo màu thực phẩm hay phụ gia tạo màu là những chất nhuộm có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp dùng để thêm vào thực phẩm nhằm tạo cho thực phẩm một màu nhất định, tăng thêm màu sắc tự nhiên và độ hấp dẫn thẩm mỹ của một món ăn. Có hai loại màu thực phẩm phổ biến trong việc chế biến món ăn hàng ngày và ngành thương mại sản xuất thực phẩm. Loại thứ nhất là loại có nguồn gốc tự nhiên, an toàn khi sử dụng. Loại thứ hai bao gồm các chất màu thực phẩm nhân tạo cần thận trọng và có sự giám sát khi sử dụng chúng trong thực phẩm. Với loại thứ hai, chỉ được phép sử dụng các chất nhuộm màu thực phẩm nhân tạo theo quy định của Bộ Y tế.

Có một vài loại màu nhuộm thực phẩm nhân tạo mà ban đầu được FDA cho phép sử dụng trong thực phẩm. Nhưng những nghiên cứu sau đó đã khám phá ra những chất này không còn an toàn cho con người khi tiêu thụ nữa. Những chất này bao gồm: Màu Đỏ số 2,4 và 32; Màu Cam số 1 và 2; Màu Vàng số 1,2,3 và 4; Màu tím số 1. Trẻ em sử dụng nhiều thực phẩm chứa các thành phần này có biểu hiện bồn chồn hiếu động, kém tập trung.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia