X

Mì chính có gây béo phì không?

Thông tin ăn mì chính gây béo phì xuất phát từ kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Olney tại Mỹ năm 1969 khi ông tiêm một lượng lớn mì chính vào chuột sơ sinh trong 10–18 ngày. Nghiên cứu ghi nhận thấy hiện tượng béo phì xuất hiện ở những con chuột được tiêm mì chính. Tuy nhiên, các điều kiện thí nghiệm trên chuột không thể áp dụng trên con người vì: thứ nhất là lượng mì chính được sử dụng trong nghiên cứu rất lớn và không được sử dụng trên thực tế (tối đa 4g/kg thể trọng, tương đương 240g với người có thể trọng 60kg); thứ hai, việc sử dụng phương pháp tiêm trực tiếp mì chính vào chuột không giống với cách thức sử dụng mì chính dưới dạng gia vị ở con người.

Sau đó, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xác định có mối liên quan nào giữa việc sử dụng mì chính và bệnh béo phì không. Nghiên cứu của Tiến sĩ Bazzano G và cộng sự tại Mỹ với liều lượng mì chính tối đa là 150g/người , sử dụng hàng ngày trong 6 tuần cho thấy việc sử dụng mì chính có thể làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh (hiệu ứng tốt) và không gây tăng cân ở các đối tượng thí nghiệm. Vào năm 2010, một nghiên cứu dịch tễ học được thực hiện bởi Zumin Shi trong vòng 5 năm tại Trung Quốc không tìm thấy mối tương quan giữa việc ăn mì chính và tăng cân.

Có một số ý kiến cho rằng vì mì chính giúp thức ăn ngon hơn nên sẽ khiến con người ăn nhiều hơn và do đó dẫn đến béo phì. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, việc ăn nhiều một loại thực phẩm nào đó dẫn đến béo phì là do bản chất của thực phẩm đó có chứa nhiều năng lượng hay không chứ không phải do gia vị nêm vào (ví dụ ăn nhiều thịt, mỡ sẽ khác với ăn nhiều rau). Như vậy, không có bằng chứng nào về việc mì chính gây béo phì ở người.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia