X

Melamin gây độc hại và gây sỏi thận như thế nào?

Melamin là một chất màu trắng, dạng bột tinh thể tan nhẹ trong nước. Melamin chỉ được phép dùng trong sản xuất công nghiệp (đồ chơi, đồ nội thất, đồ gia dụng…) với nhiều đặc tính ưu việt như tính kết dính cao, kháng nhiệt tốt, không bị ăn mòn, không mùi vị… Ngoài ra, melamin còn được dùng để sản xuất phân bón.

Melamin được biết đến như một chất gây hại nếu nuốt, hít và hấp thụ qua da. Mắt, da và đường hô hấp có thể bị kích ứng khi tiếp xúc với melamin, nếu tiếp xúc lâu dài với có thể bị ung thư và ảnh hưởng đến bộ phận sinh sản.

Sự hình thành sỏi thận do Melamin

Nếu chỉ có một mình melamin thì không độc trong những liều thấp, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) tính mức dung nạp an toàn cho cơ thể mỗi ngày của melamin là 0,63mg/kg thể trọng/ ngày. Cần lưu ý là mức độ này được tính dựa trên kết quả nghiên cứu về tác động của Melamin đối với động vật chứ chưa phải trên người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Riêng đối với trẻ nhỏ (trẻ ở giai đoạn còn sử dụng sữa là thức ăn chính) đồng thời cũng là thời điểm chức năng thận còn chưa hoàn chỉnh. Nếu nguồn sữa bị nhiễm Melamin, khi sử dụng thì trẻ càng nhỏ, nguy cơ nhiễm độc cũng như mức độ nguy hiểm càng cao và dễ tử vong.

Khi Melamin vào cơ thể, chúng không được chuyển hoá tại gan mà đào thải trực tiếp qua thận. Trong máu, khi Melamin gặp cyauric, chúng sẽ phản ứng với nhau trong các ống thận, hình thành các chất kết tinh(sỏi), các chất kết tinh này lớn dần gây ra tắc nghẽn làm cho ống thận không tạo được nước tiểu và cũng không đào thải được nước tiểu, đây chính là nguyên nhân dẫn đến suy thận, hoại tử thận thậm chí tử vong đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Điều nguy hại nữa là khi trẻ nhỏ mà sử dụng nguồn thức ăn chính là sữa, nếu dùng sữa có Melamin trẻ sẽ thiếu protein(đạm) nên không phát triển được.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia