X

Làm thế nào để giảm bớt sự dư thừa cân ở trẻ béo phì?

Cơ thể trẻ em luôn luôn phát triển và tăng trưởng, vì vậy trong điều trị béo phì ở trẻ em không được đặt ra vấn đề giảm cân, mà mục tiêu điều trị là giảm tốc độ tăng cân hay tránh tăng quá cân nhằm đảm bảo sự phát triển chiều cao và cân nặng cân đối. Không được bắt trẻ nhịn đói. Một số trẻ quá béo cần phải giảm cân thì phải có sự theo dõi và hướng dẫn của cán bộ y tế nhằm tránh sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Ngủ ít cũng gây béo vì làm giảm tiêu mỡ  quá trình này diễn ra mạnh nhất vào ban đêm khi ngủ). Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh mối liên quan giữa thời gian ngủ ngắn với chứng béo phì.

Nguyên tắc chính điều trị béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp với các hoạt động thể lực và ngủ đủ thời gian.

Chế độ ăn:

  • Vẫn phải cho trẻ ăn khẩu phần cơ bản đảm bảo đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng (nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm), đặc biệt là phải đủ lượng đạm, nên dùng thịt nạc, cá nạc, sữa gầy… cho trẻ.
  • Hạn chế các loại thức ăn nhiều năng lượng: bánh kẹo, đường mật, sữa đặc có đường, sữa béo, nước ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ. Có thể cho trẻ uống sữa gày hoặc sữa bột tách bơ với lượng vừa phải (200-300 ml/ngày). Khi chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế các món quay, xào, rán.
  • Giảm bớt tinh bột nếu trẻ ăn quá nhiều, thay một phần cơm gạo bằng khoai củ (năng lượng của 3 bát khoai mới bằng 1 bát cơm)
  • Ăn nhiều rau xanh, rau củ, hoa quả ít ngọt.
  • Ăn điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói trẻ sẽ ăn bù nhiều hơn vào bữa sau; ăn nhiều vào bữa sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ (ăn xong đi ngủ, nếu ăn nhiều năng lượng thừa sẽ chuyển thành mỡ tích lũy).
  • Chế độ ăn giảm chất bột, đường, cần thực hiện giảm từ từ, không giảm nhanh đột ngột. Muốn ăn ít cơm, trong bữa ăn có thể ung rau xanh và uống nước trước để làm đầy dạ dày, bớt cảm giác thèm ăn.

Về hoạt động thể lực

  • Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao: chạy, nhẩy dây, đá bóng, leo cầu thang, đi bộ, bơi lội, hạn chế xem ti vi, video, trò chơi điện tử
  • Giao việc thích hợp với lứa tuổi để trẻ tham gia các công việc trong gia đình: đi chợ, nấu cơm, quét nhà, rửa bát….
  • Hàng ngày sinh hoạt điều độ, không thức quá khuya. Thỉnh thoảng tạo điều kiện đưa trẻ ra những nơi có không gian rộng, thoáng đãng, gần gũi thiên nhiên (vùng ngoại thành, về quê…) cho trẻ chơi đùa.
  • Thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày và thời gian hoạt động của trẻ.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia