X

Có phải Nhân sâm cũng có thể gây độc hại?

Rễ sâm có chứa một số alcaloide có tác dụng tăng cường thể lực. Tuy nhiên cần tuân thủ liều lượng quy định, do việc sử dụng quá liều có thể dẫn tới phản ứng phụ có hại. Qua nghiên cứu cho thấy với liều tối đa 3g mỗi ngày sẽ gây tăng huyết áp, tiêu chảy, trạng thái kích thích thần kinh, mất ngủ, phát ban.

Với liều lượng cao hơn nữa có thể xảy ra các biến chứng nặng mà đặc biệt là viêm động mạch não (bệnh nhân xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội, nôn chỉ sau vài giờ sử dụng). Do vậy không nên sử dụng vượt quá liều lượng 2g mỗi ngày. Rễ sâm không phải là loại dược thảo hoàn toàn vô hại như nhiều người lầm tưởng, lạm dụng sâm có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng.

Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh được trong thành phần của sâm có chất gingsenoside Rb1 có thể gây dị dạng thai ở chuột thí nghiệm…và cũng đang tìm hiểu các chất gingsenoside khác (gồm tới 20 loại) có trong thành phần của sâm, đặc biệt là về tác động của chúng trên bào thai. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng sâm cho thai phụ.

Hiện đã có một số người dùng nhân sâm và chế phẩm từ sâm với liều quá cao hoặc quá dài ngày nên đã dẫn đến ngộ độc. Có người dùng nước nhân sâm thay cho nước uống, có người ăn nhân sâm như ăn kẹo. Như thế rất nguy hiểm, nhất là với người cao tuổi, bị xơ cứng động mạch, huyết áp, bởi trong nhân sâm có chứa chất chống phân giải chất béo, sẽ làm tăng lượng mỡ trong máu.

Đối với trẻ phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thì không cần dùng nhân sâm. Nhân sâm có thể được dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu và cũng cần có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ, nếu tuỳ tiện dùng có thể làm kích thích quá trình phát triển, khiến trẻ phát dục sớm.

Các nghiên cứu đã cho thấy nếu người lớn uống khoảng 200ml rượu sâm nồng độ 3% sẽ có biểu hiện trúng độc, bị mẩn đỏ toàn thân, ngứa, chóng mặt, đau đầu, thân nhiệt tăng, huyết áp hạ. Uống liên tục mỗi ngày 0,3g bột sâm củ có thể mất ngủ, trầm uất, giảm cân.

Trẻ đang bú mẹ nếu uống nước sắc 0,03 – 0,06g từ sâm sẽ bị co giật, thở gấp, tim đập chậm, tiếng tim mờ, nôn.

Những trường hợp không nên dùng nhân sâm:
• Người thường bị phong cảm mạo, sốt
• Những người bị bệnh gan mật cấp tính
• Những người viêm dạ dày và ruột cấp tính, bị nôn mửa, đau bụng, đi ngoài
• Những người bị viêm loét dạ dày và xuất huyết
• Những bệnh nhân giãn phế quản, bị lao, ho ra máu
• Những người cao huyết áp
• Nam giới hay bị di tinh, bị xuất tinh sớm
• Những người có bệnh về hệ thống miễn dịch
• Phụ nữ ở thời kỳ mang thai
• Trẻ em dưới 14 tuổi

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia