X

Chợ Tết – Lựa chọn và bảo quản thực phẩm

Câu chuyện của tuần trước dành cho MUỐI hi vọng đã góp phần lan tỏa ý thức nêm, nếm mới tốt cho sức khỏe đến từng căn bếp Việt.

Và nối tiếp chùm chủ đề TẾT THONG THẢ của tháng 1/2022 để cùng các bà, các mẹ và các chị em gái chuẩn bị bữa ăn, mâm cỗ ngày Tết sao cho tròn vẹn, lành mạnh mà đỡ vất vả tất bật. Để câu chuyện thêm trực quan, sinh động và mang lại không khí rộn ràng sắm Tết thì lần đầu tiên, ALO AKIO số 22 đã được chia sẻ với hình thức talkshow cùng ThS. Bùi Mai Hương – Trưởng khoa Vi sinh thực phẩm và Sinh học phân tử, Viện dinh dưỡng Quốc gia và “những bà nội trợ kiểu mẫu” vào 9 – 10 h sáng Chủ Nhật ngày 16/01/2022 với chủ đề “CHỢ TẾT – LỰA CHỌN & BẢO QUẢN THỰC PHẨM”.

Thực phẩm bẩn là gì?

Có thể nói khi dịp Tết đến xuân về hầu hết mọi người ai cũng có nhu cầu về mua sắm thực phẩm, đặc biệt là các chị em nội trợ. Từ các loại thực phẩm tươi sống, đồ khô, bánh mứt, trái cây… Và khi nhu cầu tăng lên như vậy, đồng nghĩa với việc nguồn cung cũng rất nhiều. Người tiêu dùng cũng sẽ đối mặt với những vấn đề lớn. Đó là giá cả thực phẩm tăng lên và nhiều nguồn cung, nên sẽ xuất hiện đâu đó những thông tin về “thực phẩm bẩn” được len lỏi, trà trộn vào trong cộng đồng, mặc dù các cơ quan chức năng đã có những biện pháp thanh tra. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên trang bị những kiến thức, cách thức cơ bản để dễ nhận biết, cảnh giác những nguy hại từ thực phẩm bẩn đến sức khỏe và phòng tránh nó. Ths. Bùi Mai Hương cho biết, “thực phẩm bẩn” là một cái tên khá quen thuộc đối với mọi người nhằm chỉ ra nguồn thực phẩm đã bị ô nhiễm bởi các chất gây hại đối với sức khỏe con người hoặc có tiềm tàng nguy cơ gây hại. Những yếu tố nguy hại này có thể có nguồn gốc từ sinh học (vi khuẩn, virus, kí sinh trùng), hóa học (như bản thân nó là những độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm; những yếu tố hóa học khác được sử dụng để hỗ trợ trong trồng trọt, canh tác; những chất hỗ trợ trong chế biến), yếu tố vật lý (như những dị vật bị rơi vãi vào trong thực phẩm…). Những tác nhân này có thể đến từ quá trình canh tác, chế biến, phân phối, lưu thông… từ cả người trồng, người bán và người mua.

Nguyên nhân dẫn tới thực phẩm bẩn là gì?

Ths. Bùi Mai Hương cho biết những tác nhân gây bẩn có thể xuất hiện ở tất cả các quá trình của chuỗi thực phẩm. Do đó, để chế biến ra những món ăn, nó là cả một quá trình nuôi trồng, canh tác, thu hoạch, bảo quản, phân phối rồi tới bán lẻ. Khi những người nông dân thực hành nông nghiệp không tuân thủ chặt chẽ theo các quy định hiện hành thì những thực phẩm mà chúng ta mua về sử dụng hàng ngày có thể bị ô nhiễm bởi các chất hỗ trợ trong trồng trọt như: các hóa chất bảo vệ thực vật, các loại hormone tăng trưởng, tồn dư kháng sinh thậm chí là các chất bảo quản, chất cấm không được phép sử dụng. Hoặc trong quá trình phân phối, lưu thông hàng hóa từ các chỗ bán buôn, bán lẻ, nhiệt độ bảo quản trong quá trình không phù hợp, thời gian kéo dài dẫn tới gia tăng nguy cơ ô nhiễm các mối nguy về sinh học hoặc sử dụng một số hóa chất không được phép làm ô nhiễm hóa học. Vấn đề tiếp theo là khi chúng ta mua thực phẩm nếu chưa được sơ chế kĩ và làm sạch, mà để vào tủ lạnh thì nguy cơ sự lây nhiễm chéo sẽ xảy ra trong chính tủ lạnh của chúng ta. Hoặc là trong quá trình bảo quản trong tủ lạnh, nhiệt độ bảo quản không phù hợp cũng sẽ làm cho thực phẩm trở nên không an toàn. Thậm chí ngay trong quá trình thực hành chế biến. Nhiệt độ nấu nướng chưa phù hợp để diệt vi khuẩn. Thời gian nấu và từ lúc nấu cho tới lúc ăn chưa đảm bảo trong khoảng thời gian là 2 tiếng. Tất cả những yếu tố đó đều góp phần tạo ra nguồn ô nhiễm thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Hậu quả của việc sử dụng thực phẩm bẩn

Thực phẩm bẩn gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe chúng ta. Tùy theo mức độ tiêu thụ và cơ địa mỗi người, các dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm cũng được thể hiện ở mức độ khác nhau. Chẳng hạn, chúng có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn, nặng hơn nữa là khó thở, tim đập nhanh bất thường, ngất xỉu và thậm chí tử vong. Đôi khi, những chất độc này còn có xu hướng tích tụ lâu dần trong cơ thể, gây ra tình trạng vô sinh, dị tật ở thai nhi, khiến trẻ chậm lớn… các bệnh mãn tính và ung thư. Vậy làm thế nào để có thể nhận biết được thực phẩm bẩn? Và nên lựa chọn thực phẩm sao cho đúng? Ths. Bùi Mai Hương cho biết, hiện tại trong dịp Tết thì số lượng thực phẩm, nguồn cung gia tăng rất nhiều, các cơ quan chức năng cũng rất nỗ lực để đưa ra những biện pháp kiểm soát. Tuy nhiên, với số lượng nhiều như vậy cùng với hạn chế về nguồn lực cũng không tránh khỏi việc thực phẩm bẩn có thể len lỏi, trà trộn vào thị trường. Viện dinh dưỡng cùng các cơ quan y tế luôn có khẩu hiệu “lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được kiểm soát”. Và chỉ những thực phẩm được kiểm soát thì mới được coi là thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn.

Cách lựa chọn thực phẩm tươi sống và bao gói sẵn

Đối với lựa chọn các loại cá tươi ngon, có màu sắc tự nhiên, mắt trong, thân rắn chắc, không có mùi lạ, mang cá hồng, miệng kín, vảy cá sáng bóng… tương tự đối với tôm thì vỏ cứng, mùi tanh bình thường, đầu rắn chắc, kiểm tra xem người bán có đưa vào tôm những chất lạ không? Ví dụ như là thạch để tăng khối lượng của tôm lên, nhìn xem tôm có trong, các vân tôm có rõ ràng không? Đối với mực, đầu gắn chặt vào thân, màu sáng. Mực nang ngon có màu đục cùi dừa, dày cơm…

Đối với các loại thịt gia súc, có màu sắc tự nhiên, thịt heo có màu hồng, thịt bò có màu đỏ tươi, thớ thịt săn chắc, độ đàn hồi cao, mùi bình thường, màng ngoài khô, mỡ trong, không rỉ dịch. Và tốt nhất chúng ta nên mua thực phẩm sống vào sáng sớm trong ngày, không nên mua cuối ngày vì hầu như các thực phẩm đó đã tiếp xúc lâu ngoài không khí không đảm bảo nhiệt độ bảo quản.

Đối với thịt gia cầm: mùi vị, màu sắc tự nhiên (trắng ngà hoặc vàng tươi), mắt sáng, hậu môn không đen, không hôi, thớ thịt săn chắc, đàn hồi…

Đối với rau quả tươi, hầu hết gia đình nào cũng rất quan tâm, chúng ta nên lựa cho những loại rau, củ, quả có hình dáng bên ngoài nguyên vẹn, lành lặn, không dập nát, trầy xước, thâm nhũng ở núm, cuống có màu sắc tự nhiên của rau quả, không úa, héo, sờ nắn có cảm giác nặng, chắc tay, không có mùi lạ.

Một nhóm thực phẩm nữa cũng rất được người tiêu dùng quan tâm đó là thực phẩm bao gói sẵn, chúng ta cần chú ý quan sát bao nhãn thực phẩm, lưu ý sản phẩm phải có ghi đầy đủ tên sản phẩm, nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, công dụng. Nếu là hàng ngoại thì cần có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Rượu thì cần có tem trên chai. Chọn địa điểm uy tín, có giấy phép. Khi mua cần lấy hóa đơn, chứng từ. Khi xảy ra sự cố thì có bằng chứng gửi cho cơ quan chức năng.

Ngộ độc thực phẩm

Thực phẩm bẩn hay thực phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây nguy hiểm cho sức khỏe chúng ta. Ngoài những lưu ý khi lựa chọn, mua thực phẩm thì chúng ta cũng nên lưu ý thêm về những vấn đề ngộ độc do quá trình chế biến sai cách. Đặc biệt vào mùa Tết, thì chúng ta thỉnh thoảng lại nghe các trường hợp ngộ độc măng, ngộ độc ăn hành muối làm người dân rất hoang mang không biết nguyên nhân do đâu? Ths. Bùi Mai Hương cho biết, đối với măng thì nó là một loại thực phẩm giàu chất xơ, trong măng thì các chất sinh năng lượng không nhiều nhưng nó lại chứa một số khoáng chất như Kali, Kẽm, Magie, Đồng, Sắt, Selen… Có 3 loại măng là măng tươi, măng ngâm chua và măng khô. Tuy nhiên, trong măng tươi lại có các hợp chất Cyanua là độc chất có sẵn trong thực phẩm. Khi đưa vào cơ thể dưới tác dụng của dịch tiêu hóa, môi trường trong đường tiêu hóa, nó sẽ tạo ra những acid cyanhydric. Và acid cyanhydric này chính là yếu tố gây độc và liều gây độc là 1 mg/kg trọng lượng cơ thể. Tùy theo mức độ ăn và thể trạng của mỗi người sẽ có các biểu hiện ngộ độc như: chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn, kích thích niêm mạc đường hô hấp… Trường hợp nặng có biểu hiện co giật, cứng hàm, duỗi cứng, giãn đồng tử, suy hô hấp, tím tái, hôn mê. Nặng hơn nữa sẽ ngừng thở, tim đập nhanh và không đều, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, là nguyên nhân chính gây tử vong sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Mỗi kg măng củ có khoảng 230mg Cyanide, có thể gây tử vong ngay tức thì cho hai đứa trẻ hơn một tuổi. Khi luộc sôi khoảng 12 giờ, hàm lượng Cyanide vẫn còn khoảng 160mg trong mỗi kg. Nhưng nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, khi măng đã ngả màu vàng và mùi chua, thì hàm lượng Cyanide chỉ còn chưa đầy 9mg trong mỗi kg. Để tránh ngộ độc khi ăn măng, cách tốt nhất là phải luộc măng thật kỹ, khi luộc thay nước nhiều lần, ngâm măng đủ thời gian trước khi sử dụng.

Đối với hành muối, dưa muối là một món ăn truyền thống những ngày Tết. Tuy nhiên, việc ăn hành muối, dưa muối ngày Tết không đúng cách dễ gây nhiều rủi ro. Ngày Tết, các món ăn thường chứa nhiều đạm và chất béo nên thường ăn vào dễ bị ngán và có thể gây đầy bụng do khó tiêu.

Dưa muối chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi, giúp chúng ta dễ tiêu hóa bánh chưng, thịt mỡ… nhờ có men lactic giúp ăn ngon miệng hơn. Bản chất dưa muối không gây ngộ độc. Việc ăn dưa muối bị ngộ độc vì dưa muối là sống nên có thể nguyên nhân là do dưa bị phun thuốc trừ sâu. Do đó ta có thể bị ngộ độc hóa chất trừ sâu. Ngoài ra, dưa bị muối khú, hoặc muối xổi chưa chín sẽ không tốt cho sức khỏe của người dùng, có thể gây ung thư. Lượng nitrat vốn tồn tại tự nhiên trong mọi thực phẩm và một phần của chế độ ăn nhưng khi hàm lượng nitrat trong rau củ quả vượt quá ngưỡng an toàn được xem như một độc chất ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Khi muối dưa nitrat trong rau sẽ bị vi sinh vật chuyển hóa thành nitrit. Lượng nitrit sẽ giảm dần và mất hẳn khi dưa đã chua vàng. Nhưng nếu dưa bị khú lượng nitrit lại tăng cao. Khi vào cơ thể sẽ gắn với các amin tạo ra tiền chất gây ung thư gây hại tới sức khỏe người sử dụng. Do đó, để tránh việc ngộ độc, chúng ta nên mua sạch, muối chín thì khó có thể khả năng ngộ độc. Bên cạnh đó nếu người bán muối dưa trong những vật chứa không đảm bảo an toàn thực phẩm nó cũng sẽ tạo ra sự “thôi nhiễm” của các hóa chất độc hại từ vật chứa vào trong dưa gây ô nhiễm chéo. Không phòng trừ trường hợp người bán sẽ đưa một số hóa chất vào dưa khi muối để tạo ra độ chua, màu sắc đẹp mắt, dưa chín đều, giòn và bảo quản được lâu gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Để có được món dưa muối ngày Tết ngon và an toàn, các gia đình nên tự mua nguyên liệu sạch về muối dưa tại nhà để đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Trước khi muối dưa, phải rửa nguyên liệu và các dụng cụ để muối thật kỹ. Lựa chọn dụng cụ an toàn cho việc muối dưa, hành… bằng vại gốm, sành hoặc sứ hoặc bình/lọ thủy tinh, các nồi inox chuyên biệt cho làm dưa…

Bên cạnh đó, Ths Bùi Mai Hương rất lưu ý rằng, mặc dù dưa muối, hành muối rất ngon nhưng vì đó là những sản phẩm muối vượt quá nhu cầu muối hàng ngày nên chúng ta cần sử dụng có chừng mực, hạn chế để phòng tránh những căn bệnh điển hình là tim mạch và dạ dày.

Nguyên tắc bảo quản thực phẩm

Đi chợ ngày tết là đam mê của các bà nội trợ, kéo theo đó là chúng ta cần phải có những nguyên tắc để bảo quản thực phẩm sao cho hợp lý. Tại chương trình, Ths Bùi Mai Hương chia sẻ, gia đình chúng ta hiện đang có tủ lạnh đó là công cụ hữu ích nhất hiện nay, với những chức năng bảo quản đông lạnh, bảo quản mát. Nguyên tắc chung bảo quản thực phẩm là chúng ta cần duy trì được độ mát của tủ lạnh, nếu như chúng ta để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh dẫn tới không khí lạnh không được tối ưu đến tất cả các ngóc ngách trong tủ lạnh, và không đảm bảo được nhiệt độ thiết kế để bảo quản chung các loại thực phẩm. Và thứ hai chúng ta cần sơ chế sạch sẽ sau đó bao gói lại bằng màng bọc hoặc hộp đựng và chia thành những phần nhỏ trước khi đưa vào trong tủ lạnh để tránh lây nhiễm chéo xảy ra.

Tại chương trình, chị Trần Thị Hải Yến – bà nội trợ đến từ Hà Nội đã chia sẻ thêm những mẹo bảo quản thực phẩm trong trong ngăn đông của tủ lạnh. Cùng với công việc và thời gian bận rộn nên việc mua và trữ thực phẩm là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của chị sau đó là lên kế hoạch và đi chợ theo tuần vừa tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Chị Yến cho biết chị đã tham khảo rất nhiều kiến thức, thông tin từ Viện Dinh dưỡng và đúc kết được cho bản thân, chị lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… Sau khi mua thực phẩm về thì công đoạn đầu tiên sẽ là sơ chế sạch với nước muối pha loãng và làm ráo thực phẩm để tránh bị đông tuyết khi bảo quản trong ngăn đông và chia thành nhiều bữa nhỏ để dễ dàng chế biến. Và chị Yến thường có thói quen bảo quản thực phẩm trong hộp, vừa giúp gọn gàng mà tránh được sự nhiễm khuẩn chéo và sau đó ghi nhãn thực phẩm rõ ràng (tên thực phẩm + thời gian mua) giúp dễ nhận biết thực phẩm và hạn sử dụng tránh sự lẫn lộn.

Tiếp đó, chị Nguyễn Thu An – bà nội trợ, chia sẻ những mẹo bảo quản thực phẩm hiệu quả trong ngăn mát của tủ lạnh. Giống như những bà nội trợ khác, việc trữ thực phẩm để tiết kiệm khoảng thời gian sinh hoạt, chị An còn được người nhà gửi thực phẩm từ quê lên đa số là các loại rau, củ, quả. Và nếu mà bảo quản những loại thực phẩm này không tốt chúng sẽ nhanh bị úa, thâm, nhũn và không được tươi ngon. Chị An chia sẻ sau khi sơ chế sạch sẽ như: nhặt bớt các phần rau bị hư, úa, gạt bớt phần đất thừa bám trên rau, cắt bớt ngọn các loại củ như cà rốt, su hào, củ cải… Việc rửa rau củ sẽ kích thích hư hỏng và tăng khả năng dập úng do lượng nước thừa đọng lại. Nếu rửa thì phải để thật ráo trước khi cho vào tủ lạnh. Và nên bảo quản trong các các loại hộp để thực phẩm giữ được lâu hơn có thể đến một tuần, một số loại củ có thể bảo quản được đến 14 ngày tùy loại. Không phải loại rau củ nào cũng cần bảo quản tủ lạnh nên chị An thường phân loại thực phẩm và chuẩn bị các bữa ăn cho gia đình theo thứ tự để giữ trọn dinh dưỡng. Các loại rau, quả khác nhau có thời gian lưu trữ khác nhau như khoai tây, chuối… không cần thiết bảo quản trong tủ lạnh. Và nguyên tắc sắp xếp của chị An là luôn đặt những thực phẩm nấu chín ở ngăn trên, thực phẩm chưa nấu chín đặt ở ngăn dưới.

Đối với đồ khô, chị Yến chia sẻ, thường các chị em phụ nữ hay gặp vấn đề là đựng trong các hộp, lọ nhưng lại hay bị lộn xộn, không đẹp mắt và khi cần dùng tới thì tìm rất khó. Nhiều thực phẩm tích trữ lâu quá làm chúng ta lãng quên và hết hạn sử dụng. Một số nguyên liệu dù còn hạn sử dụng tuy nhiên do lâu không đụng tới dẫn đến giảm chất lượng của thực phẩm (như kiến xông, ẩm mốc, vón cục, mất mùi thơm…). Sau đó thì chị Yến đã tham khảo và học được một số mẹo cơ bản bảo quản những thực phẩm khô để có thể chia sẻ đến cộng đồng như tránh để thực phẩm khô tiếp xúc trực tiếp với không khí, môi trường bên ngoài vì vậy mà chúng ta có thể bảo quản trong các hộp kín nhằm hạn chế được sự oxy hóa của thực phẩm và sự thâm nhập của côn trùng. Mỗi loại thực phẩm sẽ được đặt trong những hộp riêng biệt, lựa chọn nhiều size hộp để chứa những loại thực phẩm khác nhau và viết tên, ngày hết hạn lên hộp để dễ dàng tìm thực phẩm và biết hạn sử dụng, hộp nào dùng nhiều lần có thể để bên ngoài để dễ dàng lấy và sử dụng. Và một lưu ý là 2 tuần/lần nên vệ sinh ngăn chứa và có thể nhỏ vài giọt tinh dầu chanh sả để lau sạch và ngăn được các loại côn trùng xâm nhập. Để giã đông thực phẩm thì chuyển từ ngăn đông xuống ngăn mát và để ở ngăn cuối cùng giúp giảm thiểu sự lây nhiễm chéo từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.

Ths. Bùi Mai Hương cho biết, việc lên kế hoạch chuẩn bị đi chợ cho một tuần rất chủ động. Từ đó mà chúng ta dễ dàng lựa chọn được những thực phẩm cần thiết nên mua, và đưa ra được thực đơn hài hòa cho cả gia đình, tiết kiệm được thời gian đi chợ.

Những lưu ý bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong ngày Tết

Ths Bùi Mai Hương cho biết, đối với bánh chưng, bánh tét, người ta thường quan niệm là bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì dễ làm cho gạo cứng lại. Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng thì có thể bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín. Lưu ý khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hàng ngày không có lợi cho sức khỏe. Đối với các loại bánh bị mốc trắng, lên men mùi chua (nhất là ở phần góc bánh do phần này khi gói hay bị rách) ở lớp vỏ bánh bên ngoài thì phải cắt bỏ phần bị lên men, mốc chỉ sử dụng phần không bị hư, còn giữ nguyên mùi thơm của bánh.

Đối với giò chả, với thành phần chủ yếu là thịt lợn nạc, ngoài ra còn có thịt mỡ, nước mắm và gia vị, vì thế giò không để lâu được. Giò lụa không được sử dụng hàn the vì nó không tốt cho sức khỏe, cách bảo quản giò lụa, giò bò, chả là giống nhau, để ở nhiệt độ thường dưới 25oC. Khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được 4 – 6 ngày nếu để ngăn mát, thậm chí giữ được khoảng 10 ngày nếu để ở ngăn đá, nếu chúng ta đã lỡ mua quá nhiều.

Giò lụa lấy ra khỏi ngăn đông, để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ. Nếu muốn sử dụng ngay, thì rã đông nhanh bằng cách: bọc giò lụa vào bọc nilon, ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, do chúng ta thường chỉ mua lượng vừa đủ ăn trong vòng 1 tuần nên không nhất thiết phải bảo quản giò trong ngăn đá hoặc tủ đông bởi quá trình rã đông sẽ làm hao hụt các chất dinh dưỡng. Giò tai, giò xào do đặc điểm về sự kết dính mà phải để ở nhiệt độ mát, lạnh vì vậy để bảo quản nên để vào ngăn mát tủ lạnh. Ths Hương lưu ý với cộng đồng rằng “Hãy tích trữ vừa đủ để chúng ta có thể sử dụng những thực phẩm tươi hàng ngày”

Những lưu ý khi chọn quà tặng dịp Tết

Mỗi dịp Tết đến xuân về, Việt Nam thường có văn hóa trao cho nhau những món quà để chúng ta gắn kết tình thân với nhau hơn. Hiện nay, trên thị trường đang được bày bán những món quà rất bắt mắt, đa phần là những giỏ bánh kẹo, rượu, mứt… Ths. Bùi Mai Hương chia sẻ, Tết là dịp quan trọng nhất trong năm để bày tỏ sự hiếu kính, lòng biết ơn, chia sẻ tình cảm với ông bà, cha mẹ, thầy cô, người thân, đối tác làm ăn… Với góc nhìn về dinh dưỡng thì Mứt là các thực phẩm dinh dưỡng vì có chứa nhiều thành phần tốt cho cơ thể như đường bột, protein, axit hữu cơ, vitamin và khoáng chất, nhiều chất chống lão hóa tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên do cách chế biến, mứt thường quá ngọt, không thích hợp cho người tiểu đường, người có đường máu cao, béo phì, hay người muốn ăn kiêng. Một số loại quả chứa nhiều loại beta carotene hoặc vitamin A, C như mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi…sẽ bị phân hủy do nhiệt độ và thời gian chế biến mứt. Bên cạnh đó, phải kể tới đó là, vẫn còn những cơ sở chế biến mứt thủ công không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nơi phơi nguyên liệu bụi bẩn, thùng xô chậu ngâm mứt cáu bẩn, rồi các loại phụ gia không được phép sử dụng như: hóa chất tẩy trắng, phẩm màu, đường hóa học, hàn the… đều có nguy cơ độc hại với sức khỏe. Chính vì vậy khuyến khích chúng ta tự chế biến mứt cổ truyền cho ngày tết, nếu không quá bận rộn vì giữ được hương vị ngày tết và chị em lại thêm được dịp nữ công gia chánh “khéo tay, hay làm”. Hoặc các mẹ nên chọn mứt của Việt Nam nhưng được chế biến bởi các công ty lớn, có thương hiệu, có nhãn mác đầy đủ, có ngày sản xuất và hạn sử dụng. Và dưới khía cạnh dinh dưỡng thì tốt nhất là nên giảm bớt lượng mứt sử dụng và thay thế bằng cách ăn các loại trái cây tươi trong những ngày tết như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo…có lợi cho sức khỏe. Có thể thay thế mứt tết bằng các loại hạt ngũ cốc hoặc hạt bí, đậu phộng, hạt điều, đậu Hà Lan, riêng với hạt dưa thì chú ý vì nếu được nhuộm bằng phẩm màu không tốt cũng có hại cho sức khỏe.

Và tùy theo những nhóm đối tượng chúng ta có thể lưu ý để lựa chọn tặng quà:

Với ông bà cha mẹ, thầy cô, chúng ta có thể lựa chọn những thực phẩm có lợi cho bữa ăn hằng ngày người lớn tuổi: gạo lứt, mật ong, đậu Hà Lan, bông atiso, củ sen, hạt óc chó, hạnh nhân… Trà thảo dược có tác dụng tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa và phòng chống nhiều loại bệnh thường gặp ở người già như hồng trà, trà xanh, trà hồng đài, trà hoa cúc, trà ô long… Và thực phẩm chức năng/bảo vệ sức khỏe: nấm linh chi, yến sào, tảo xoắn, đông trùng hạ thảo, dầu cá Omega 3, viên đa vi chất… từ những cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng.

Đối với chị em, phụ nữ, có thể lựa chọn những sản phẩm nhà bếp giúp giải phòng sức lao động của chị em phụ nữ, và tăng cường sức khỏe cho cả nhà: máy rửa chén, bộ hộp dự trữ thực phẩm an toàn, chất lượng, máy làm sữa hạt, máy ép, nồi áp suất giúp giảm thời gian đun nấu, hoặc những nồi đa năng có thể nấu nhiều món cùng lúc. Bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe giúp chị em phụ nữ đẹp từ trong ra ngoài: collagen, vitamin C, vitamin E, bộ sản phẩm chăm sóc da.

Đối với nam giới, Tặng rượu vang, chứa nhiều các chất chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe tim mạch. Lưu ý là cần sử dụng lượng vừa phải, nên uống dưới hai đơn vị cồn/ngày với nam giới khoảng 2 ly rượu vang 100 ml, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới, 1 ly rượu vang 100ml và không uống quá năm ngày trong một tuần.

Còn với trẻ em, ngoài quần áo, lì xì, đồ chơi… về thực phẩm thì chúng ta có thể tặng các loại hạt dinh dưỡng, các thực phẩm giúp phát triển chiều cao cho bé, tăng cường trí nhớ khi học tập, sản phẩm tốt cho mắt….

Video chương trình: