X

ALO AKIO 23 – Mâm cơm Tết – Xưa và Nay

Với ALO AKIO số 21 và 22 vừa qua, chắc hẳn bạn đã có những hướng dẫn, gợi ý cơ bản rất bổ ích trong việc đi chợ chuẩn bị thực phẩm & nêm nếm cho các bữa ăn gia đình chứ không riêng bữa ăn ngày Tết phải không? Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Và trước không khí lễ hội cận kề như vậy thì cần lắm một buổi tất niên để tổng kết lại các hoạt động của năm cũ, và đồng thời cũng là dịp để các thành viên trong gia đình tụ họp với nhau sau một năm làm việc vất vả. Và AKIO cũng không phải là ngoại lệ. Mặc dù AKIO là tập hợp đoàn thể không cùng huyết thống nhưng đều có chung một niềm đam mê bất tận về dinh dưỡng, mong muốn lan tỏa các kiến thức dinh dưỡng đến cộng đồng, giúp nâng cao giá trị cho bản thân.

Để kết thúc trọn vẹn chùm chủ đề TẾT THONG THẢ của tháng 1/2022 thì ALO AKIO số 23 vào 9 – 10h sáng Chủ Nhật ngày 23/01/2022, AKIO tổ chức một buổi tất niên, một GALA đón Tết Nhâm Dần và cùng nhau thưởng thức hương vị của: MÂM CƠM TẾT – XƯA VÀ NAY với “Bếp trưởng” Chef Dương Thị Hải Anh – đầu bếp chuyên nghiệp hơn 20 năm kinh nghiệm từng đạt các giải thưởng lớn trong và ngoài nước. “Mâm cơm Tất niên” còn có sự trở lại tham gia chia sẻ của các diễn giả ALO AKIO năm Tân Sửu.

Tại chương trình, trước khi Chef Hải Anh chia sẻ câu chuyện “Mâm cơm Tết – Xưa & Nay” thì chúng ta cùng đi ngược dòng thời gian trên một chuyến tàu từ Bắc tới Nam để hiểu hơn về văn hóa ẩm thực truyền thống Tết của 3 miền và gặp lại những diễn giả thân thương của AKIO đến từ ba miền đất nước đã chia sẻ trong năm 2021.

Đầu bếp Hải Anh – đầu bếp chuyên nghiệp, Học viên của TTĐT VDDQG đại diện miền Bắc chia sẻ, Chef Hải Anh cho biết không khí Tết đang bắt đầu tràn ngập miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng bằng những cơn mưa xuân. Đối với miền Bắc đặc trưng là những món ăn như: bánh chưng, thịt đông và dưa hành muối. Những món ăn đơn giản mà chắc hẳn không thể thiếu trong mâm cỗ mỗi gia đình. Tượng trưng cho Đất, chiếc bánh chưng có hình dáng vuông vức, đẹp mắt, nhân bên trong là thịt mỡ với đậu xanh, bên ngoài là những hạt nếp chắc mẩy được gói cẩn thận bằng lá dong và luộc chín. Tiếp theo là món thịt đông, tạo nên sự gắn kết, hòa hợp và dưa hành muối cũng là một món ăn quen thuộc trong mâm cỗ ngày Tết, bởi vì dưa hành không những thể hiện một nét văn hóa truyền thống của đất nước mà còn rất tốt cho hệ tiêu hóa khi mà chúng ta ăn những món ăn chứa nhiều đạm. Và ông bà ta luôn có câu “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ; Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Tiếp theo, dọc theo đất nước thì chúng ta sẽ đến với miền Trung cùng với sự chia sẻ của Ths. Lưu Kim Lệ Hằng – GV Hóa sinh trường Cao Đẳng Y tế Phú Yên, Ths Hằng cho biết, nếu như bánh chưng đặc trưng cho món ngon ngày tết miền Bắc thì bánh tét là đặc trưng của tết miền Trung, và tương tự như bánh chưng thì bánh tét được gói thành hình trụ, bọc trong nhiều lớp lá chuối. Bánh tét mang ý nghĩa thương nhớ người đã khuất, cầu chúc cho sự ấm no, sum vầy của gia đình đa tạ trời đất đã cho người dân được mùa thuận lợi. Trong nhân bánh có màu vàng còn gợi cho người nông dân hình tượng cánh đồng lúa chín bội thu, niềm mơ ước “an cư lạc nghiệp”, thái bình. Giống như ngoài Bắc có bánh trưng với dưa hành, ở miền trung biến tấu một chút thành bánh tét, dưa món. Dưa món là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu tươi như: cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu… sau khi sơ chế, phơi nắng được ngâm trong hũ cùng với nước mắm, đường và các gia vị khác. Dưa món chủ yếu được dùng ăn kèm với bánh tét để tạo cảm giác chống ngấy hiệu quả và giúp ngon miệng hơn, dễ tiêu hóa hơn. Với người dân miền trung bên cạnh bánh tét, dưa món thì nhất định phải có thêm một hũ thịt ngâm mắm. Thiếu đi hương vị của món này thì dường như mâm cỗ Tết không còn đầy đủ và trọn vẹn. Ths Hằng cho biết đi dọc miền trung là bờ biển dài nên hải sản tôm, cá mực tươi ngon cũng là đặc sản của miền trung, ngày tết thì món Tôm chua cũng không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Tiếp theo đến với miền tây, BSCK 1. Ngô Quốc Hùng – BS Hồi sức cấp cứu với nhiều năm kinh nghiệm làm về dinh dưỡng cộng đồng đại diện chia sẻ, mỗi vùng miền mỗi địa danh lại có những đặc sản khác nhau, tại Biên Hòa thì nơi đây nổi tiếng với rượu bưởi Tân Triều và khi thưởng thức sẽ uống bằng chén (bát con), nhưng về Bến Tre, thì sẽ có món mứt me Bến Tre, đi xa hơn một chút về Long An thì sẽ có món khô bò và thường sẽ làm bằng thịt heo giả bò vì thịt heo giá cả tốt hơn và món này thì sẽ nhâm nhi với vài ly rượu mắt trâu. Đi xa hơn một chút về Cà Mau, đặc sản với món gỏi bồn bồn. Và đặc biệt miền tây còn có món tôm đất. Không khí tết của miền tây ngoài những món ăn dân giã đậm đà, mùa nào thức ấy, tận dụng thực phẩm tại các vùng miền.

Diễn giả Nguyễn Kim Hằng – công tác trong lĩnh vực đào tạo chăm sóc sức khỏe, Học viên của TTĐT VDDQG cho biết tại Thành phố Hồ Chí Minh có tỉ lệ lớn người Hoa sinh sống và ảnh hưởng một chút văn hóa du nhập tới nơi đây. Do vậy, người dân TP.HCM khá là thích ăn lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô trong mùa tết.

PGS.TS.BS. Nguyễn Đỗ Huy – GĐ Trung tâm đào tạo VDDQG cho biết, Tết là khoảng thời gian mọi người trong gia đình, người thân, bạn bè tụ họp, sum vầy chia sẻ, tổng kết những gì mà chúng ta đã làm được trong một năm và khởi đầu năm mới với những dự định mới.

Ngày tết cũng là dịp củng cố các mối quan hệ trong gia đình cũng như là đối tác làm ăn. Một nét đẹp đối với người Việt Nam đó là tặng quà tết với những mức độ khác nhau. Vậy thì đối với giá trị về dinh dưỡng thì chúng ta có những lưu ý như thế nào về tặng quà ngày tết.

Nhóm đối tượng nam giới, HLV. Nguyễn Việt Hải – HLV thể hình, Học viên của TTĐT VDDQG chia sẻ. Tại chương trình, HLV Việt Hải gửi tới cộng đồng bài thơ về rượu đối với sức khỏe giữa tết xưa – nay.

“Tết xưa vui cùng chén rượu xuân

Mượn cớ lan man chuyện xa gần

Chẳng muốn quan tâm bao là đủ

Thế cuộc đâu màng chuyện thế nhân

Tết nay đâu cần say bí tỉ

Một chén, hai ly sức khỏe cần

Vang, trái lên men đã tê tái

Tỉnh thức ôn bàng chuyện cố tân

Tết xưa tạc thù nên bí tỉ

Đặt xuống nâng lên chẳng tính lần

Tết nay hai chén xuân vừa đủ

Sức khỏe an lành hẹn cố nhân

Tết xưa chỉ thích ăn cùng nghỉ

Tết nay vận động tới xa gần

Chào đón xuân mới lòng phơi phới

Mạnh như mãnh hổ tuổi Nhâm Dần”

HLV Nguyễn Việt Hải cho biết ngày tết chúng ta gặp nhau “tay bắt, mặt mừng” vui thôi chứ không nên vui quá, mọi thứ nên có chừng mực nhất là đối với thức uống có cồn. Về vấn đề tặng quà cho các đấng mày râu, chúng ta có thể lưu ý tặng rượu vang vì chứa nhiều các chất chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe tim mạch. Và cần sử dụng lượng vừa phải, nên uống dưới hai đơn vị cồn /ngày với nam giới khoảng 2 ly rượu vang 100 ml, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới, 1 ly rượu vang 100ml và không uống quá năm ngày trong một tuần. Tăng cường vận động ngày Tết, mọi lúc mọi nơi khi có thể.

Diễn giả Văn Phương Lan – Học viên của TTĐT VDDQG cho biết vào dịp tết nguyên đán tặng quà là một hành động ý nghĩa vì vậy chúng ta nên gìn giữ truyền thống tốt đẹp này. Xu hướng tặng những món quà tết tốt cho sức khỏe hiện nay đang được ưa chuộng, đối với nhóm các cụ bà, chị em phụ nữ chúng ta có thể lựa chọn các loại hạt khô, hạt dinh dưỡng để chúng ta nhâm nhi trong dịp tết như hạt hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt điều, hạt macca, hạt hướng dương, hạt lanh… bởi vì chúng có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe và có thể được dùng ở mọi lứa tuổi, chúng chứa nhiều chất đạm, chất béo lành mạnh cho cơ thể và nhiều chất chống oxy hóa, hợp chất thực vật có lợi cho cơ thể…

Đối với nhóm đối tượng các em bé, BS. Đỗ Mạnh Hà – công tác tại khoa dinh dưỡng BV Sản nhi Quảng Ninh, học viên của TTĐT VDDQG chia sẻ. Đối với trẻ em ngày tết sẽ luôn gắn liền với phong bao lì xì, tạo niềm vui và sự may mắn cùng với đó là những lời chúc tốt đẹp. Năm nay với khung cảnh Covid-19 BS Hà lưu ý đến cộng đồng, đảm bảo 5K vệ sinh sát khuẩn trước khi lì xì đến tay các bé. Ngoài lì xì bằng tiền mặt thì chúng ta cũng có thể xem xét đến việc lì xì thông qua những phương tiện xã hội từ xa như ví điện tử MOMO… Và vấn đề cần lưu tâm đó là cẩn thận nguy cơ dị vật đường thở từ bánh kẹo, mứt tết…

Nối tiếp những điểm cần lưu ý cho các bé của BS. Đỗ Mạnh Hà, Ths. Nguyễn Phương My – công tác tại Trung tâm dinh dưỡng Hà Nội chia sẻ ngoài quà tặng cho các con ngày tết thì vấn đề khiến các ông bố, bà mẹ lo lắng đó là chế độ ăn của con, giờ giấc sinh hoạt hàng ngày có thể sẽ bị thay đổi. Ths Phương My có lời khuyên rằng điều tối thiểu chúng ta hãy cố gắng cho con ăn uống đúng bữa, còn về những món ăn chắc chắn sẽ có sự thay đổi vì vậy hãy để con lựa chọn những món ăn mà con muốn. Hạn chế bánh kẹo, đồ ngọt, nước có ga trước những bữa ăn của con. Trong khoảng thời gian ngày tết bố mẹ hãy dành thời gian với các con nhiều hơn, vun đắp tình cảm với các con, tổ chức những trò chơi hoạt động ngoài trời cùng các con để hạn chế tối đa việc sử dụng tivi, điện thoại, ipad…

Bên cạnh việc mua quà biếu tặng cho những người thân, thì truyền thống người dân Việt Nam rất tâm linh theo thông lệ từ lâu đời, những ngày Tết thì chúng ta thường có một số các phong tục như viếng mộ ông bà cha mẹ cuối năm, cúng đưa ông Táo về trời, cúng 30, cúng giao thừa, cúng mùng 1, mùng 2, mùng 3 để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đến thần linh, gia tiên và cầu mong một năm mới bình an, thuận buồm xui gió. Vậy ý nghĩa của những phong tục này như thế nào? Chef Dương Thị Hải Anh chia sẻ, phong tục cúng ông Công ông Táo hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, gia đình Việt thường làm mâm cơm cúng để đưa tiễn Táo Quân lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của các gia đình. Theo quan niệm của người Việt, Táo quân không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình. Vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ. Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Điều đặc biệt của mâm cơm cúng đó là hầu hết mọi người sẽ cúng thêm cá chép.

Còn đối với Giao thừa thì đó là một sự chuẩn bị nhiều công sức và luôn có hai mâm là mâm cúng trong nhà và cúng ngoài trời. Đêm giao thừa là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi những gia đình sum họp. Và chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành, may mắn sẽ đến, tiễn trừ năm cũ với những điều không may mắn đã qua. Bởi vậy, đêm giao thừa được xem là khoảng thời gian của sự yên bình, giũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng. Giây phút giao thừa là giây phút tuyệt vời nhất để đón những vị thần linh, đón gia tiên về nhà mình trong năm mới, khoảnh khắc giao mùa của đất trời. Ông bà chúng ta mong muốn rằng những mâm cỗ này phải luôn trịnh trọng.

Kế tiếp sẽ là chuỗi ngày cúng bao gồm: Mùng 1, mùng 2, mùng 3, hóa vàng. Ths. Lưu Kim Lệ Hằng chia sẻ, đó là tục lệ từ ngàn xưa của ông bà ta nên chúng ta cũng cố gắng duy trì để mong một năm mới bình an và nhiều may mắn. Vào 30 Tết, nhà nhà làm mâm cỗ cúng mời Ông Bà, Thần Linh về nhà cùng ăn Tết với con cháu, gia chủ. Vào sáng mùng 1, buổi sáng bắt đầu một năm mới, người ta thường làm một mâm cỗ cúng, mời bề trên dùng cơm đầu năm để tỏ lòng thành kính.Và Nguyên Đán được hiểu là buổi sáng khởi đầu một năm mới. Sáng mùng 1, người ta thường làm một mâm cơm trang trọng, mời ông bà dùng cơm và cầu mong những điều tốt đẹp, vật phẩm cúng mùng 1 Tết gồmmâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét).  Sau khi rước Ông Bà về ăn Tết cùng con cháu, cúng mùng 1 thì mùng 2 cũng tương tự như vậy. Cúng mùng 2 cũng mang ý nghĩa mời Thần Linh, Gia Tiên ăn cơm, phù hộ cho con cháu. Cúng mùng 3 còn được gọi là cúng hóa vàng hay cúng tiễn chân gia tiên sau 3 ngày Tết đầm ấm ở cùng con cháu. Có rất nhiều gia đình xem trọng tục cúng mùng 3 này bởi nó chính là sự khởi đầu của những ngày suôn sẻ. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà lễ hóa vàng có thể khác nhau. Theo thời gian, những mâm cỗ ngày Tết có phần thay đổi và biến tấu hơn để phù hợp với điều kiện từng nhà nhưng chung quy cần phải trang trọng và thành tâm nhất để thể hiện được lòng thành kính.

Những ngày Tết, nhiều gia đình thường chuẩn bị rất nhiều thức ăn để cúng gia tiên cũng như tiếp đón khách đến chơi nhà. Đồ ăn thường được chuẩn bị rất nhiều nên việc còn thừa là điều không thể tránh khỏi. Nhưng không phải ai cũng biết cách bảo quản tốt nhất. Ths. Bùi Mai Hương – Trưởng khoa Vi sinh thực phẩm và Sinh học phân tử, Viện dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ. Trong không khí Tết hiện nay, gia đình nào cũng cố gắng trang bị một dịp Tết đủ đầy, ấm no cho gia đình. Việc đó cũng làm cho các bà nội trợ, chị em gặp không ít khó khăn lo lắng, tất bật chuẩn bị để cân đối thực phẩm cho cả mâm cỗ và từng thành viên trong gia đình. Chúng ta hãy quan tâm đến những món chính, món hợp sở thích của các thành viên trong gia đình sau đó thì lên kế hoạch mua sắm sao cho cân đối đầy đủ cho ba ngày tết, ngoài những món mặn hãy lưu ý tới rau, củ quả để cân đối các nhóm chất trong bữa ăn. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý chuẩn bị một số món ăn quen thuộc cho ông bà những người lớn tuổi, trẻ em trong gia đình, tránh tình trạng các em bé bị lỡ bữa trong ngày vì không có món ăn quen thuộc. Lưu ý thực phẩm chúng ta cân nhắc mua vừa phải phục vụ trong ba ngày tết ngoài ra không mua với số lượng lớn tích trữ chồng chất thực phẩm gây hư hỏng lãng phí không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày nay, người dân ăn Tết đã có phần đổi khác hơn so với trước kia, dường như dân ta ăn Tết “tây hóa” dần đi, sự thay đổi đó phần nào được thể hiện qua cách đón Tết và trong việc sắm Tết. Ths.BS. Đặng Đức Ngọc – công tác Khoa dinh dưỡng lâm sàng| Bệnh viện E TW và Bộ môn Dinh dưỡng lâm sàng và Y học gia đình – ĐH Y Dược ĐHQGHN chia sẻ. Thời gian thay đổi làm con người cũng ngày một cuốn theo, kí ức ngày xưa và trải nghiệm hiện tại hoàn toàn khác nhau. Ngày xưa mỗi khi dịp Tết đến xuân về ai ai cũng nô nức, hào hứng, chuẩn bị đến thời khắc giao thừa được ngắm pháo hoa báo hiệu khởi sắc của một năm mới. Hiện nay không khí đó vẫn còn nhưng dường như mọi thứ không được như xưa bởi lẽ bắt nguồn từ công việc bộn bề, quá nhiều điều cần phải quan tâm, thời gian làm chúng ta thay đổi. Trước kia ăn tết, chúng ta cùng nhau ngồi xuống nói về những câu chuyện đã qua, những điều đã làm và chưa làm được trong năm cũ thì nay chúng ta đang chơi tết là nhiều, hào hứng với những cuộc vui, cuộc chơi xa nhà. BS Ngọc cho biết, giống như lời của bài hát “Cha già rồi đúng không?”, “Có lẽ, cuộc đời còn có bao nhiều lần 10 năm nữa…” đời người cũng không có mấy lần kí ức 10 năm. Qua chương trình, BS Ngọc muốn gửi gắm tới các thầy cô và cộng đồng “Hãy cố gắng lưu giữ những kí ức đẹp, trân trọng thời gian, sức khỏe của bản thân, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, để 10 năm nữa chúng ta ngồi lại với nhau vẫn giữ trong mình niềm đam mê, sức khỏe, nhiệt tâm với công việc”.

Tiếp nối câu chuyện ngày tết, diễn giả Văn Phương Lan cho biết, ngày xưa, các thành viên trong gia đình thường giúp nhau dọn dẹp. Còn ngày nay, không ít người bỏ tiền ra thuê người làm dịch vụ dọn nhà theo nhu cầu chỉ với một vài thao tác nhanh gọn trên điện thoại. Tết xưa vào ngày cuối cùng của năm cũ, các chị em thường tắm rửa sạch sẽ với bồ kết, hoặc xông hơi với các loại lá cây để tẩy sạch bụi bẩn, xui rủi của năm cũ, còn giờ đây, cách Tết hàng tháng trời các chị em đã ra tiệm làm tóc, sấy, uốn, duỗi nhuộm để chưng diện ngày Tết. Tận dụng ngày Tết để chăm sóc bản thân, tập thể dục thể thao, ngủ để làm đẹp… Tết xưa, khi đi chơi chúng ta thường thấy những bác, chú chụp ảnh dạo thường. Nếu ai thích thì chụp, sau đó phải chờ mấy ngày sau mới lấy được hình. Còn giờ đây, ai cũng lăm lăm điện thoại trong tay để chụp ảnh sống ảo, đôi khi thời gian chụp ảnh còn nhiều hơn là vui chơi, ngắm cảnh.

Về kế hoạch đón tết, Ths.BS Doãn Thị Tường Vi – Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng BV 198 cho biết, Tết là khoảng thời gian sum vầy của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên chúng ta rất cần phải lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cho một số nhóm đối tượng như người già, trẻ em, người mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch, suy thận…

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Nếu như Tết xưa nhà nhà có tràng pháo giấy treo trước cửa để đốt, thì ngày nay pháo hoa được thay thế trong đêm giao thừa. Thay vì tự mua nguyên liệu về để làm bánh chưng, dưa hành thì nhiều gia đình chọn cách mua bánh chưng, dưa hành làm sẵn ngoài hàng để tiết kiệm thời gian. Chính vì vậy mà ngày nay thì có nhiều người cho rằng:

“Tết này chẳng giống Tết xưa

Chẳng ai còn nhớ Tết xưa thế nào

Tết xưa cảm xúc nao nao

Tết nay cảm xúc cho vào hư vô'”.

Đầu bếp Hải Anh chia sẻ trong mâm cỗ xưa có một số đặc điểm nổi trội, ngày xưa lúc nào cũng phải mâm cao cỗ đầy, theo góc nhìn của một người đầu bếp thì dinh dưỡng của mâm cỗ ngày xưa, có sự lệch lạc, dư thừa và khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. Chef Hải Anh là một đầu bếp thực hành dinh dưỡng thuận tự nhiên, và thuận tự nhiên là dinh dưỡng gần nhất để chạm tới thân – tâm – trí. Ở trong mâm cỗ xưa về phần cảm xúc (tâm trí) vẫn có đâu đó nỗi lo sợ của khá nhiều phụ nữ trong các gia đình, nỗi lo về việc chuẩn bị, tất bật trong bếp, ai cũng mong muốn có một sự chỉn chu để dâng lên thành cúng tổ tiên, ông bà, những người đã khuất. Ở mâm cỗ ngày nay đặc biệt trong mâm cỗ thuận tự nhiên mà Chef Hải Anh muốn chia sẻ nó sẽ có sự thay đổi và sửa chữa trong mâm cỗ của ngày xưa. Bốn điều quan trọng là tiêu chí làm nên mâm cơm thuận tự nhiên. Đó là “bốn mùa – trời đất – địa phương – khí hậu”. Thực phẩm cần phải xanh lành. Trời đất cần có sự giao thoa giữa ngũ hành, âm dương. Và mâm cỗ cần có sự tôn trọng bản sắc, đặc sản địa phương kèm theo đó đa dạng những món ăn giữa 3 miền tạo sự mới mẻ giúp mâm cỗ thêm ngon miệng hơn. Thông điệp đầu bếp Hải Anh muốn chia sẻ đó là “more fresh – less time” ăn xanh hơn, ăn tươi hơn và giảm thời gian nấu nướng.

Trước khi bước vào mâm cỗ chúng ta hãy cùng nhâm nhi món khai vị với cùng một ly rượu để kích thích vị giác. Món khai vị thì bao gồm những món cơ bản như: cá bống suối chiên giòn, cà chua bi đóng vai trò cắt vị khi chúng ta muốn đổi sang một món ăn khác, một số loại hạt dinh dưỡng (hạt điều, hạt mac ca, hạt óc chó…) trái cây (nho, ô liu…), nộm…

Bây giờ xin mời mọi người đến với mâm cỗ thuận tự nhiên của đầu bếp Hải Anh chuẩn bị.

Thứ nhất, trong mâm cỗ có một nét truyền thống mà đến bây giờ chúng ta vẫn luôn lưu giữ, đó là “gà cúng” –  nó thể hiện sự oai phong trong mâm cỗ nhưng lại gần gũi với cuộc sống gia đình.

Thứ hai, đó là món xôi thể hiện những tinh hoa của đất trời, đa sắc màu. Và món xôi Chef Hải Anh chuẩn bị cho chúng ta với tên gọi “xôi lá cẩm, nấm, hạt điều”.

Món tiếp theo là sự giao thoa giữa trời đất, ngũ hành âm dương đến từ đa màu sắc của rau củ được thể hiện qua món “rau củ quả xào thập cẩm”.

Và món “chả ngũ sắc” cũng là một sự giao thoa tuyệt vời đến từ trời đất và đặc biệt đối với dinh dưỡng thuận tự nhiên, đạm động vật chỉ chiếm 10 – 15% trong mâm cỗ. Chả ngũ sắc là một món ăn rất nổi tiếng trong mâm cỗ miền nam.

Tiếp theo đó là “món gỏi thập cẩm”. Chef Hải Anh bật mí rằng: trong quá trình chuẩn bị thực phẩm cho ngày tết đầu bếp Hải Anh sẽ chuẩn bị sẵn nước gỏi để trộn được bất kì loại gỏi nào cho ngày tết vừa tiết kiệm thời gian vừa đậm đà hương vị.

Kết hợp với đặc sản miền trung trong mâm cỗ thuận tự nhiên còn có món “bắp bò ngâm mắm”.

Món tiếp theo là “giò tai nấm” hay còn được gọi giò xào.

Tiếp theo là món “canh nấm tuyết, táo đỏ”.

Kết thúc chương trình, PGS.TS.BS. Nguyễn Đỗ Huy, Ths. Bùi Mai Hương, BSCK1. Ngô Quốc Hùng, Ths. Lưu Kim Lệ Hằng, Ths.BS. Đặng Đức Ngọc, Chef Hải Anh, diễn giả Văn Phương Lan, HLV. Nguyễn Việt Hải, Ths. Nguyễn Phương My, BS. Đỗ Mạnh Hà, Giám đốc điều hành AKIO Vương Việt Dũng và chị Nguyễn Thanh Loan – ban truyền thông và điều phối show ALO AKIO đã cùng nhau nâng ly chào đón năm mới và gửi những lời chúc tốt đẹp tới chương trình và cộng đồng.

 

Video chương trình: