X

Bà mẹ nên làm gì khi vú bị căng tức sữa?

Khi cho con bú vú mẹ có thể bị căng tức do một trong những nguyên nhân thường gặp sau đây:

a. Tình trạng ứ sữa gây căng tức vú:

Khi sữa bắt đầu “xuống”, hai bên vú có cảm giác căng cứng do mô vú bị ứ sữa. Đôi khi sữa vẫn thoát ra mà vú vẫn bị căng tức. Đây là tình trạng vú bị căng tức sữa bình thường.

Hiện tượng căng tức sữa sẽ ít xảy ra nếu con nằm cạnh mẹ suốt ngày đêm và cho bú thường xuyên, bú sớm ngay sau khi đẻ và trẻ ngậm bắt vú đúng.

Khi mẹ bị căng tức sữa cần xử trí kịp thời để mẹ không bị mất sữa bằng cách:
• Tiếp tục cho trẻ bú mẹ và bú đúng cách. Nếu không thể cho trẻ bú được thì vắt sữa mẹ cho trẻ uống bằng cốc và thìa. Nên vắt sữa nhiều lần để tránh ứ sữa.
• Đắp ấm lên vú, xoa nhẹ xung quanh bầu vú.
• Mẹ có thể bị sốt nhẹ khi căng tức sữa nhiều nhưng thường khỏi nhanh sau khi sữa được lưu thông nhờ đắp ấm, xoa bóp, cho con bú, vắt sữa.

b. Tắc ống dẫn sữa:

• Khi sữa bị tắc không chảy ra được, tạo thành một khối trong vú đau nhức và đỏ lên thì có thể là do tắc ống dẫn sữa, cần xử trí để tránh viêm vú và áp xe vú.
• Tiếp tục cho trẻ bú thường xuyên, bú đúng cách, nếu vì lí do nào đó trẻ không bú được phải vắt sữa cho uống bằng cốc và thìa.
• Cho trẻ bú đúng tư thế, ngậm bắt vú sâu và đầy trong miệng để rít được sữa ra.
• Mẹ có thể bị sốt nhẹ khi căng tức sữa nhiều nhưng thường khỏi nhanh sau khi sữa được lưu thông nhờ đắp ấm, xoa bóp, cho bú và vắt sữa. Nếu mẹ đã làm như trên mà vẫn nóng sốt thì cần đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh.
• Dùng lược thưa chải nhẹ trên hai bên bầu vú theo chiều từ trên xuống, từ trong ra ngoài.
• Xoa bóp nhẹ nhàng từ trong phần vú bị cứng đi xuống phía núm vú để ống dẫn sữa được lưu thông. Đắp ấm vú để làm mềm vú.
• Nếu viêm tắc tuyến sữa lâu ngày không khỏi có thể gây viêm tuyến vú, tạo khối áp xe có mủ. Khi đó cần đến cơ sở y tế để được rạch ápxe và dẫn lưu mủ.

c. Viêm vú và áp xe vú:

Khi ống dẫn sữa tắc dễ gây viêm vú, nếu núm vú bị nứt hoặc xước, có thể bị nhiễm khuẩn. Các biểu hiện của viêm vú: sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, bệnh thường khởi phát đột ngột. Đau nhức sâu ở trong tuyến vú, đau tăng khi cử động cánh tay. Vú bị viêm to ra, chắc, sưng đỏ, căng, đau, nổi hạch nách cùng bên to và đau. Viêm vú nhiễm khuẩn dễ gây áp xe vú, tạo những túi mủ khư trú ở vú do sự hoại tử các mô. Có thể có một hoặc nhiều ổ áp xe nằm ở một hoặc nhiều thùy khác nhau của tuyến vú. Ở giai đoạn áp xe, tất cả các triệu chứng của giai đoạn viêm đều tăng lên.

Xử trí:
• Mẹ cố gắng tiếp tục cho con bú bên vú lành.
• Nếu trong sữa có lẫn mủ do áp xe, không cho trẻ bú, nên vắt sữa ra bằng tay hay bằng dụng cụ hút sữa rồi bỏ đi. Cần phải vắt sữa nhiều lần trong ngày.
• Nếu mẹ bị sốt liên tục trên 2 ngày, cần đến cơ sở y tế điều trị.
• Cần uống đủ liều kháng sinh thích hợp, có thể uống thêm thuốc giảm đau và hạ nhiệt (theo sự chỉ dẫn của bác sĩ)
• Chườm khăn ấm lên vú để bớt đau, có thể đắp nhiều lần trong ngày.
• Nếu bị áp xe vú thì đến cơ sở y tế để trích áp xe và dẫn lưu mủ.
• Sau khi điều trị, mẹ cố gắng cho bú trở lại càng sớm càng tốt.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia