X

Ăn thủy sản nhiễm kim loại nặng, độc hại thế nào?

Thực trạng môi trường đang bị ô nhiễm rất nhiều tại các đô thị và các khu công nghiệp dẫn tới nguồn nước bị xâm nhiễm các kim loại nặng là tất yếu.

Tại Việt Nam, từ năm 2005 cũng đã có công trình nghiên cứu tại lưu vực châu thổ sông Hồng; vùng đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp…) với hàm lượng kim loại nặng, đặc biệt là Asen khá cao (hàm lượng Asen nhiều nơi cao hơn mức cho phép từ 3- 6 lần). Sự nhiễm độc kim loại nặng từ nguồn nước hoặc từ nguồn lương thực – thực phẩm do tích lũy lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Riêng  nhiễm độc Asen thường do nguồn nước uống có chứa muối Arsenite hóa trị III.

Nếu một người hấp thụ một lượng lớn Asen bất kỳ qua nguồn nào trong thời gian dài, thường trên 6 năm có thể dẫn tới nhiễm độc Asen mãn tính (Arsenosis) với màu da xám đen, dày sừng bàn tay, bàn chân, tóc rụng, viêm dạ dày, dáng đi loạng choạng, người gầy còm, kiệt sức rồi tử vong trong vài năm.

Đối với phụ nữ mang thai, Asen có thể gây sẩy thai. Ngộ độc cấp tính (thường do nhầm lẫn hoặc bị đầu độc) có triệu chứng giống như bệnh tả. Bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục (phân không tanh), khát nước dữ dội, mặt thâm tím, bí tiểu và chết sau 48 giờ. Trên thực tế thường gặp hội chứng nhiễm độc Asen mãn tính do nguồn nước có hàm lượng Asen quá cao.

Theo công bố của cơ quan chức năng về sự xâm nhiễm Asen trên một số loài thủy sản (trai, hến, ốc) thì hàm lượng Asen tổng cộng tuy có vượt ngưỡng khuyến cáo, nhưng chưa tính cụ thể hàm lượng Asen vô cơ (Dạng độc tính). Để đánh giá mức độ nguy hiểm cần phải dựa vào “liều nhiễm độc”. Vì vậy tình hình ô nhiễm các kim loại nặng trên nhóm thủy sản trên là không đến mức nguy hiểm tính đến thời điểm này nên các bà nội trợ đừng quá hoang mang!

Như phân tích ở trên, sự xâm nhiễm kim loại nặng như Asen, thủy ngân thường gặp trên một số loại thủy, hải sản, đặc biệt là loại cá lớn hoặc cá “săn mồi”, sống ở tầng sâu, cống thoát nước trong thành phố. Do quá trình tích lũy sinh học nên trong phủ tạng, xương, lớp vỏ kitin của chúng thường có chứa các kim loại nặng kể trên. Hàm lượng này thường chưa đủ gây ngộ độc cấp; tuy nhiên để tránh bị nhiễm các kim loại nặng này “một cách từ từ” chúng ta không nên ăn các loài hải sản, đặc biệt các loại sống sâu dưới lớp bùn như lươn, ốc, ngêu… liên tục nhiều ngày trong tuần; khi chế biến các loài giáp xác (tôm, cua, sò, hến, rùa…) cần rửa sạch vỏ ngoài, nên loại bỏ phần mai, bờ bàn chải… Ở phụ nữ mang thai chỉ nên ăn số lượng ít (dưới 100g/ngày), đối với các loại cá lớn như cá ngừ đại dương, cá thu, cá nhám, cá đuối…, các loại tôm hùm, cua biển, ốc đá tránh món ăn nấu nhừ ăn cả xương bằng nồi áp suất.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia