X

Ăn thịt ếch, nhái có gây ra bệnh sán nhái không?

Hiện nay, nhiều món ăn được chế biến từ ếch, nhái, rắn… Nếu ếch, nhái được chế biến không cẩn thận, thịt chưa được nấu chín kỹ thì khi ăn, ấu trùng sán nhái ký sinh ở thịt ếch, nhái xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Vì vậy khi ăn thịt ếch nhái chưa được nấu chín, nguy cơ bị mắc bệnh ấu trùng sán nhái là điều không thể tránh khỏi.

Đặc điểm ấu trùng sán nhái gây bệnh

Bệnh ấu trùng sán nhái thường gặp ở các nước châu Á và một số nước ở châu Âu nhập khẩu thịt ếch, nhái, rắn từ các nước khác đến. Sán nhái thường gây bệnh cho con người ở giai đoạn ấu trùng. Ấu trùng có dạng hình sâu có tên riêng là Sparganum, bệnh gây nên gọi là Sparganosis. Bệnh sán nhái là bệnh lây truyền qua động vật. Vật chủ chính và nguồn gây nhiễm bệnh là những động vật ăn thịt như chó, mèo và các loài hoang dại. Sán nhái trưởng thành sống ký sinh ở ruột non của các động vật đó.

Chu kỳ phát triển và gây bệnh của ấu trùng sán nhái

Sán nhái đẻ trứng dưới nước, trứng bị những loài phù du, giáp xác ăn, nó là vật chủ phụ thứ nhất của sán. Sau đó loài phù du, giáp xác này bị ếch, nhái, rắn hoặc chim ăn. Những loài này trở thành vật chủ phụ thứ hai của sán. Khi ký sinh ở vật chủ phụ, ấu trùng ở dạng sâu (plerocercoid) dài khoảng vài cm, màu trắng ngà, không chia đốt, không có đầu (scolex) ở phía trước, chỉ có ống giác giả. Con người có thể trở thành vật chủ phụ thứ hai trong các trường hợp như uống nước mất vệ sinh ở nơi có những loài phù du, giáp xác đã bị nhiễm sán; ăn thịt ếch, nhái, rắn, chim… sống hoặc chưa được nấu chín kỹ. Từ nguồn thức ăn này ấu trùng sán nhái xâm nhập vào ống tiêu hóa, xuyên vào thành dạ dày, ruột và tạo thành u ở đó. Ngoài ra, một số tập quán sinh hoạt còn lạc hậu ở vùng thôn quê như người dân có quan niệm cho rằng đau mắt đỏ là do “bốc hỏa”, nên dùng thịt ếch nhái sống là chất mát, lạnh đắp vào mắt để “hạ hỏa” thì bệnh sẽ khỏi; việc làm thiếu khoa học này tạo điều kiện thuận lợi cho ấu trùng sán nhái xâm nhập vào da, mắt gây u ở mắt, làm cho bệnh nhân có thể bị mù. Một số trường hợp khác ít gặp hơn là người có thể bị nhiễm ấu trùng sán nhái do rửa mặt bằng nguồn nước có loài phù du, giáp xác bị nhiễm ấu trùng.

Khi người là vật chủ phụ thứ hai bị ấu trùng sán nhái xâm nhập và ký sinh sẽ gây bệnh. Triệu chứng bệnh phụ thuộc vào nơi ấu trùng có dạng hình sâu ký sinh. Nếu ký sinh ở mắt sẽ gây đau, chảy nhiều nước mắt, viêm sưng màng tiếp hợp, mi mắt, mí mắt… Nếu ký sinh ở da thì gây ngứa, nổi mẩn, thâm nhiễm chung quanh chỗ ấu trùng sán ký sinh, đôi khi người bệnh thấy có cảm giác ấu trùng đang di chuyển. Một số trường hợp đã phát hiện thấy ấu trùng sán nhái có dạng hình sâu ở vùng màng ruột, thận, bàng quang, phổi, xoang ngực, tim và mô não. Khi ấu trùng sán nhái xâm nhập sâu vào bên trong các nội tạng thì tiên lượng bệnh sẽ rất nặng.

Phòng bệnh bằng cách nào?

Không uống nước chưa đun sôi, không ăn các loại thịt ếch, nhái, rắn, chim… chưa được nấu kỹ. Ở vùng nông thôn cần bỏ tập quán lạc hậu dùng thịt ếch, nhái sống đắp vào mắt để chữa bệnh mắt đỏ. Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày. Khi vào quán ăn, nhà hàng, mọi người cần thận trọng khi gọi thức ăn được chế biến từ thịt ếch, nhái, rắn, chim…, nếu chưa nấu chín kỹ thì không ăn để đề phòng bị mắc bệnh ấu trùng sán nhái.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia