X

ALO AKIO 15 – Đọc nhãn mác thực phẩm ứng dụng trong bệnh lý

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định đến sức khỏe và chế độ ăn lại càng cần được quan tâm trong giai đoạn bệnh lý.

Chính vì vậy, tiếp nối câu chuyện Hướng dẫn Đọc nhãn mác thực phẩm ở ALO AKIO số 8, PGS. TS. BS. Nguyễn Đỗ Huy – GĐ Trung tâm đào tạo, Viện dinh dưỡng Quốc gia đã trở lại với ALO AKIO số 15 với nội dung: ĐỌC NHÃN MÁC THỰC PHẨM ỨNG DỤNG TRONG BỆNH LÝ vào 9h – 10h sáng Chủ Nhật ngày 28/11/2021!

Sử dụng và đọc nhãn mác thực phẩm trong bệnh Tăng huyết áp

Các chất dinh dưỡng cần quan tâm trong bệnh Tăng huyết áp là: lượng Natri, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và năng lượng khẩu phần”.

Đối với Natri, muối ăn và natri thường được sử dụng hoán đổi cho nhau nhưng không có ý nghĩa tương tự. Natri là một khoáng chất, một nguyên tố hóa học có trong muối ăn. Natri được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Trong đó 100 mg muối chứa khoảng 40 mg natri. Một loại thực phẩm không mặn vẫn có thể có hàm lượng natri cao. Đó chính là lý do tại sao việc sử dụng hương vị không phải là một cách chính xác để đánh giá hàm lượng muối của thực phẩm.

Những thực phẩm được chế biến thường chứa nhiều muối là các loại dưa, cà muối, cá khô, các loại mắm, mỳ ăn liền, khoai tây chiên… Nguồn natri được đưa qua thực phẩm tự nhiên như thịt, sữa, nhuyễn thể… và các loại thực phẩm công nghiệp như bánh mì, bánh quy, thịt hộp, các loại gia vị…

Nhu cầu về Natri khuyến nghị hàng ngày đối với người trưởng thành là 600 mg (1500 mg muối) nhưng không vượt quá 2000 mg (5000 mg muối). Và PGS. Nguyễn Đỗ Huy chú ý rằng, khi đọc nhãn thực phẩm, có thể thấy nhiều loại thực phẩm có chứa natri bao gồm nước tương, bột ngọt và cả muối điều vị… Theo đó, bằng cách chú ý đến nhãn thực phẩm khi mua người tiêu dùng sẽ tiêu thụ ít natri hơn.

Và đối với lượng Kali của thực phẩm cũng rất cần được quan tâm vì hàm lượng natri và kali đều ảnh hưởng đến huyết áp. Ăn đủ kali mỗi ngày sẽ giúp huyết áp ổn định hơn.

Để ngăn ngừa các bệnh tim mạch và cụ thể là Tăng huyết áp thì năng lượng đến từ chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cũng cần được lưu ý. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến rằng một người trưởng thành nên tiêu thụ ít hơn 10% đến từ chất béo bão hòa và 1% đến từ chất béo chuyển hóa tương đương với tổng khẩu phần năng lượng. Một người với chế độ ăn 2000 kcal không nên nhận quá 20 g chất béo bão hòa và 2,2 g từ chất béo chuyển hóa.

Sử dụng và đọc nhãn thực phẩm trong bệnh Rối loạn mỡ máu

Tương tự đối với bệnh Tăng huyết áp những chất dinh dưỡng cần quan tâm là chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa và năng lượng khẩu phần. Người tiêu dùng  cần thường xuyên kiểm tra kích cỡ khẩu phần trước tiên và cân nhắc với việc ăn bao nhiêu là đủ, đọc kỹ để chọn những loại thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, natri và lựa chọn thực phẩm nhiều chất xơ.

Sử dụng và đọc nhãn thực phẩm trong bệnh Đái tháo đường

Đối với bệnh Đái tháo đường, các chất dinh dưỡng cần quan tâm là lượng chất xơ, lượng đường, chỉ số đường huyết, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, năng lượng khẩu phần.

Trong đó, thông thường đường được liệt kê trong bảng thành phần dinh dưỡng trên sản phẩm với tên phổ biến là “đường”. Thực tế, đường còn xuất hiện với rất nhiều tên khác nhau khiến chúng ta nhầm lẫn rằng sản phẩm đó tuyệt đối không có một chút đường nào. Vì vậy, nên nhìn vào tổng lượng carbohydrate chứ không chỉ lượng đường.

Đánh giá số lượng gram của tổng carbohydrate bao gồm đường như đường bổ sung, carbohydrate phức tạp và chất xơ chứ không chỉ là gram đường. Tuy vậy, nếu quá tập trung vào hàm lượng đường có thể sẽ bỏ qua các loại thực phẩm bổ dưỡng có lượng đường tự nhiên cao như trái cây và sữa. Và cũng có thể lạm dụng thực phẩm không có đường tự nhiên hoặc thêm đường nhưng nhiều carbohydrate như một số loại ngũ cốc.

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyên rằng: Chỉ 5% trong tổng số năng lượng đưa vào cơ thể mỗi ngày là từ đường tinh luyện. Tương đương khoảng 25 g với nữ và 35 g với nam. Tiếp theo đó cần phải tính được lượng Carbohydrate có trong thực phẩm.

Tóm lại rằng, thực phẩm không đường đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn cho bệnh đái tháo đường và không đường không có nghĩa là không có carbohydrate. Một nhãn mác không đường có nghĩa là một khẩu phần có ít hơn 0,5 g đường.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần xem xét kỹ để biết được tổng lượng chất béo trong một khẩu phần của sản phẩm, uôn luôn kiểm tra chất béo chuyển hóa trong thành phần nguyên liệu.

Lượng chất xơ trong bệnh đái tháo đường cũng vô cùng quan trọng. Một chế độ ăn lành mạnh bao gồm ít nhất 25 g chất xơ mỗi ngày. Chất xơ làm làm chậm quá trình tăng đường huyết sau bữa ăn, ngăn chặn sự thèm ăn, giảm mức cholesterol và thúc đẩy giảm cân.

Sử dụng và đọc nhãn thực phẩm trong bệnh Loãng xương

Các chất dinh dưỡng cần quan tâm là Canxi, vitamin D, năng lượng, protein. Vitamin D, canxi phải được liệt kê trên nhãn vì không phải lúc nào con người cũng nhận đủ lượng khuyến nghị. Chế độ ăn giàu vitamin D, canxi sẽ làm giảm nguy cơ loãng xương. Trên nhãn mác thực phẩm liệt kê % giá trị liều hàng ngày (% DV) cho canxi trong mỗi khẩu phần. Ví dụ khi nhãn ghi 100% DV cho canxi tương đương với 1000 mg canxi mỗi sản phẩm. Hàm lượng canxi trong mỗi loại thực phẩm khác nhau tùy thuộc vào thành phần của chúng.

Sử dụng và đọc nhãn thực phẩm trong bệnh Thừa cân – Béo phì

Các chất dinh dưỡng cần quan tâm là năng lượng khẩu phần, chất béo chuyển hóa (trans fat), lượng đường. Người Thừa cân – Béo phì cần phải thói quen đọc nhãn thực phẩm trước khi ăn hoặc uống bất kỳ mặt hàng thực phẩm đóng gói nào. Khi đang cố gắng giảm cân hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh, đọc nhãn thực phẩm là một kĩ năng thiết yếu. Đọc nhãn là chìa khóa để giảm cân và cải thiện chất lượng, số lượng thực phẩm ăn vào. Bên cạnh đó, có thể tìm thấy tên của đường trong nhãn thực phẩm bằng cách xác định các tên kết thúc bằng các chữ cái “ose” như glucose, fructose, maltose, galactose,…

Kết luận lại, đọc nhãn mác thực phẩm ứng dụng vào bệnh lý đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khẻ. Và không chỉ đối với những người có bệnh lý nền mà tất cả chúng ta đều cần phải quan tâm cũng như là có ý thức hơn trong việc đọc nhãn mác nhằm cải thiện cũng như dự phòng những căn bệnh mạn tính.

Video chương trình