Đây là một loại acid béo nằm trong nhóm các acid béo không bão hòa, có nhiều nối đôi, quan trọng nhất là: Linoleic acid (LA): là một acid béo thiết yếu, có trong hầu hết các loại dầu thực vật mà chúng ta thường dùng hằng ngày. Gamma linolenic acid (GLA): một phần được cơ thể tổng hợp từ chất LA, một phần khác có trong một số dầu thực vật như primrose oil và trong sữa mẹ. Trong cơ thể, GLA chuyển thành chất prostaglandin (chất chống viêm…)
Omega 6 có trong các loại dầu thực vật như: dầu bắp (ngô), dầu hạt bông vải, dầu hạt nho, primrose oil, dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương, trong trứng gà, trong mỡ. Cũng như Omega – 3, Omega – 6 rất có ích trong việc ngăn ngừa các bệnh tim mạch bằng cách làm giảm cholesterol và triglyceride trong máu xuống. Cả hai loại acid béo này đều giữ vai trò quan trọng, các Omega – 3 giúp cho sự phát triển thần kinh và làm giảm bớt viêm quá mức trong khi các Omega – 6 giúp cho máu đông cục và chống lại nhiễm khuẩn. Tuy vậy, ăn quá nhiều Omega – 6 cũng không tốt cho sức khỏe, như nó có thể làm gia tăng sự giữ nước trong cơ thể, kéo theo việc tăng áp suất máu, và tăng nguy cơ hiện tượng máu bị đóng cục trong mạch. Bởi vậy, tỉ lệ giữa Omega – 6 và Omega – 3 tiêu thụ rất là quan trọng. Nếu tỉ lệ Omega – 6 quá cao và Omega – 3 quá thấp sẽ có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Trong quá trình chuyển hóa, hai chất Omega-6 và Omega – 3 đều sử dụng chung một số enzyme, vitamin (B3, B6, C, E) và các chất khoáng magiê và kẽm. Nếu Omega – 6 quá nhiều, nó sẽ chiếm lấy hết các enzymes và vitamins cần thiết khiến Omega – 3 không thể hoạt động một cách hoàn hảo được, nhất là trong việc bảo vệ tim mạch, và còn có thể gây nên cơn đau nhức viêm sưng chẳng hạn như viêm khớp và suyễn. Do vậy cần có sự cân đối và hợp lý khi đưa vào cơ thể 2 loại acid béo này.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia