Một số bà mẹ hoặc người nuôi trẻ cho rằng “ăn gì bổ nấy” như: ăn óc bổ óc giúp trẻ thông minh, ăn tim bổ tim, ăn thận bổ thận, ăn gan bổ gan nên hay cho trẻ ăn các loại thức ăn trên. Thông thường chúng ta thường cho trẻ ăn tim, gan, bầu dục, óc của lợn, bò, ngoài ra còn cho ăn tim, gan của gà, vịt, ngan, ngỗng.
Các loại phủ tạng (Óc, tim, gan, bầu dục..) đều chứa nhiều chất đạm, vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm có tác dụng giúp trẻ tăng trưởng tốt, phòng chống thiếu máu, tăng cường sức đề kháng và sáng mắt. Do vậy chúng đều là thức ăn tốt cho trẻ. Nhưng nhược điểm của các loại phủ tạng là hàm lượng chất béo khá cao, đặc biệt là cholesterol. Lượng cholesterol cao nhất là trong óc (2195 mg% trong óc lợn, 3010 mg% trong óc bò), gan và bầu dục (từ 275 mg%- 411 mg%). Nếu ăn nhiều phủ tạng sẽ gây mỡ cao trong máu, đó là tiền đề của một số bệnh rối loạn chuyển hóa. Chỉ nên cho trẻ ăn các loại phủ tạng trên với lượng ít (20-30g/ ngày) và 1 – 2 lần /tuần.
Mặt khác các nội tạng động vật nếu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn,vi rút, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người. Nội tạng có thể là nguồn lây các bệnh nhiễm khuẩn như lao, than, lợn đóng dấu, nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis…, các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Do vậy khi chọn mua phủ tạng để sử dụng phải hết sức cẩn thận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều duy nhất cần phải nhận thức rằng nội tạng động vật chỉ cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho người ăn, đặc biệt là trẻ em khi nó tuyệt đối an toàn.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia