X

Xử trí khi trẻ bị sặc bột, sặc cháo?

Đường ăn và đường thở ở vùng cổ nằm song song với nhau và gần như tiếp giáp ở vùng miệng họng. Giữa chúng có một nắp đậy gọi là nắp thanh thiệt, nó đậy lại khi thức ăn được đưa xuống thực quản để chúng không lạc sang đường thở. Ở trẻ nhỏ và người già, hệ thần kinh chưa hoàn thiện hoặc bị suy nhược, khiến phản xạ đóng nắp thanh thiệt không được tốt, dẫn đến dễ bị sặc thức ăn. Thói quen vừa ăn vừa cười đùa, ăn vội vàng, ép ăn khi trẻ khóc hay việc cha mẹ bóp mũi con ép phải há miệng bón thức ăn… rất dễ gây sặc.

Bột hoặc cháo xay nhuyễn có độ quánh rất cao, khi bị sặc sẽ nút lấy toàn bộ đường thở, có thể làm trẻ khó thở, tím tái rồi tử vong nhanh chóng. Biểu hiện tức thời xuất hiện sau khi đút bột, cháo,hay thức ăn vào miệng trẻ: trẻ đột nhiên ho sặc sụa, tím tái rồi có cơn ngừng thở, có thể tử vong ngay sau 5 – 10 phút. Dấu hiệu này được gọi là “Hội chứng xâm nhập”, đó là phản xạ bảo vệ của cơ thể để tống dị vật ở đường thở ra ngoài. Nếu dị vật bít một phần đường thở trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay. Cơn ho này kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác, sau đó trẻ trở lại bình thường, thỉnh thoảng xuất hiện những đợt ho sặc tương tự trở lại, cũng rất dễ tử vong trong giai đoạn này.

Khi tai nạn xảy ra, người trông trẻ phải biết cách xử trí kịp thời và đúng cách; nếu không, bệnh nhi có thể tử vong trong vòng vài phút.

Cách xử trí khi trẻ sặc thức ăn, hóc dị vật:

Đối với trẻ nhỏ:

  1. Giữ em bé trong tư thế mặt úp, đầu chúc ngược thấp hơn thân dọc theo cần tay bạn. Đầu và vai bé trên tay bạn. Vỗ mạnh vào phần trên của lưng bé để di vật văng ra ngoài.

  1. Nếu không được, xoay mặt bé về phía cánh tay kia của bạn rồi nhìn vào trong miệng bé và dùng một ngón tay lấy dị vật ra. Nhớ đừng thọc sâu vào cổ họng bé.
  2. Nếu chưa được, vẫn bế bé ở tư thế như trên, để hai ngón tay bạn ở phần nửa dưới của xương ức và ấn mạnh xuống với nhịp độ 3 giây một lần. Làm như vậy để tạo một cơn ho nhân tạo.
  3. Nếu vỗ lưng không kết quả lật ngửa trẻ lên. Đặt 2 ngón tay trên nửa dưới của xương ức ấn ngực 5 lần. Có thể thực hiện từ 6-10 lần thủ thuật này. Nếu vật cản vẫn chưa ra được, hãy gọi xe cấp cứu hoặc ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia