X

Nên cho trẻ ăn trái cây như thế nào?

Trái cây chứa nhiều vitamin và các chất khoáng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tùy theo từng loại mà nguồn cung cấp vitamin và năng lượng sẽ khác nhau. Nhưng cho trẻ ăn hoa quả như thế nào cho khoa học là điều các bà mẹ và người nuôi trẻ cần quan tâm.

Nên dần dần cho trẻ làm quen với nước hoa quả hoặc hoa quả nghiền. Nếu trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn, từ 3 – 6 tháng Có thể cho trẻ uống thêm nước ép hoa quả, sau 6 tháng cho trẻ ăn hoa quả nghiền với các loại trái cây có nhiều vị khác nhau: cam, xoài, đu đủ chín, dưa hấu, táo, lê….

Thời gian hợp lý nhất để cho bé ăn hoa quả là khoảng thời gian ở giữa hai bữa chính.Với trẻ dưới 6 tháng, nước trái cây tốt nhất là vừa mới vắt hoặc ép xong và nếu là quả có vị chua (cam, quýt) phải pha loãng và cho thêm chút đường ở dạng siro (nước đường đã được đun sôi) rồi cho trẻ uống vào giữa hai bữa sữa. Với trẻ sau 6 tháng cho bé ăn quả nghiền. Mỗi lần có thể cho bé ăn từ 50 – 100 gam hoa quả tùy theo khả năng hấp thụ và độ tuổi của bé. Từ sau 9 tháng nên cho trẻ ăn hoa quả cắt miếng. Sau khi trẻ mọc răng, có thể cho trẻ gặm trái cây như thế có thể rèn thói quen nhai của trẻ. không nên cắt trái cây thành miếng quá to, để tránh trường hợp khi trẻ nuốt vào bị tắc nghẽn khí quản.

Một số lưu ý khi cho trẻ ăn hoa quả:
• Chọn hoa quả đúng mùa (mùa nào thức nấy), cho ăn đa dạng nhiều loại vì mỗi loại trái cây chỉ cung cấp một vài vitamin, chất khoáng nhất định mà cơ thể trẻ lại cần rất nhiều loại.
• Chọn trái cây tươi, không dập nát, rửa sạch, gọt vỏ rồi mới cho trẻ ăn.
• Hoa quả không thay thế được rau xanh, vì hàm lượng muối khoáng và chất xơ trong hoa quả ít hơn rau xanh, đồng thời trong rau xanh còn có một số chất mà trái cây không có, cho nên cần kết hợp cho bé ăn rau xanh trong các bữa chính và bổ sung hoa quả ở các bữa ăn phụ
• Cần nắm vững nguyên tắc “ăn từ từ, vừa ăn vừa quan sát”, tức là cho bé ăn thử ít một, quan sát xem có dấu hiệu không tốt như đau bụng, đi ngoài, dị ứng không?…rồi mới quyết định có nên tiếp tục cho trẻ ăn hay không.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia