Nhiều bà mẹ thường cho rằng bệnh còi xương chỉ gặp với những trẻ gầy còm, ốm yếu hay suy dinh dưỡng. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ bụ bẫm, ăn uống đầy đủ và tăng trưởng tốt nhưng vẫn có dấu hiệu của bệnh còi xương như: chậm mọc răng, ra mồ hôi trộm, khóc đêm, đầu bẹt, cơ nhẽo…. Thực tế bệnh còi xương có thể gặp ở cả những trẻ bụ bẫm do nhu cầu về canxi và photpho của trẻ cao hơn trẻ bình thường mà lượng cung cấp lại không đủ.
Những trẻ ăn quá nhiều đạm, uống nhiều nước ngọt có ga cũng làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu. Bên cạnh đó, những trẻ được bú mẹ đầy đủ cũng dễ mắc còi xương do hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp, bản thân mẹ cũng bị thiếu vitamin D do kiêng khem không ra nắng, kiêng ăn tôm, cua cá…. Do trẻ bụ bẫm phát triển quá nhanh, nếu không được cung cấp đủ vitamin, canxi thì nguy cơ bị còi xương còn cao hơn cả những trẻ phát triển bình thường.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia