X

Vì sao không nên ăn mặn?

Thành phần chính của muối ăn là Natri, khi ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với Natri, ion Natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, tăng sức cản ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp.

Thận cũng là bộ phận sống còn giúp kiểm soát huyết áp bởi chúng giúp thải lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể và duy trì cân bằng nồng độ muối. Nếu ăn mặn, thận sẽ phải làm việc tăng hơn nên dễ bị các bệnh về thận. Ngoài ra ăn mặn còn liên quan đến các nguy cơ như ung thư dạ dày, loãng xương hay hen xuyễn.

Nhu cầu muối của cơ thể chỉ cần dưới 6 gam/ngày. Hiện nay người dân nước ta đang ăn rất mặn (thừa muối), lượng muối trung bình trong khẩu phần ăn của người dân là 15g/ngày. Cần hạn chế ăn mặn, giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn, hạn chế sử dụng những thức ăn có hàm lượng muối cao như: các loại đồ kho, đồ muối, đồ hộp, sốt mayonaise…, khi nấu nướng chế biến thức ăn cần tăng cường kỹ thuật phối chế, nấu các món ăn nhiều loại gia vị khác nhau như cay, ngọt, chua và như vậy người quen ăn mặn sẽ không có cảm giác nhạt, nên giảm bớt việc nêm mắm, bột canh và các loại gia vị có lượng muối cao. Với trẻ em tập cho ăn nhạt từ lúc còn nhỏ.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia