X

Váng sữa là gì? Có nên cho trẻ ăn váng sữa không?

Các bà mẹ có con nhỏ thường mua cho con ăn các loại váng sữa nhập khẩu đang được bán rộng rãi trên thị trường với suy nghĩ rằng đây là “những gì tốt nhất được chắt lọc từ sữa”, nhưng thực tế không hẳn là như vậy!

Váng sữa là gì?
Váng sữa (milk scum) là lớp phân tử chất béo nổi lên kết thành một mảng lớn trên bề mặt của sữa khi đun nóng sữa hoặc để yên trong một thời gian và không đậy nắp. Lớp váng sữa này còn được gọi là kem sữa (milk cream), sau khi tách đi lớp váng sữa này thì ta thu được sữa tách béo (skimmed milk).

Váng sữa còn có tên là “Kem chua” vì khi chưa có công nghệ chế biến sữa, váng sữa được sản xuất bằng cách để nguyên sữa cho sữa tự đóng váng, trong quá trình đóng váng vi khuẩn axit lactic có trong sữa sẽ lên men khiến cho váng sữa có vị chua mặc dù vị chua này rất nhẹ.

Váng sữa/Kem sữa sau khi được tách khỏi sữa sẽ được đun nóng để tiệt trùng, sau đó sẽ được dùng để sản xuất các chế phẩm khác như bơ, pho mát, kem tươi (whipping cream)…

Loại váng sữa có hàm lượng béo cao nhất (Heavy cream) thường có hàm lượng chất béo từ 35-50%. Đây gần như là váng sữa nguyên chất, thường ít dùng để ăn trực tiếp vì nó rất béo, mà chỉ dùng như một nguyên liệu để chế biến các món ăn khác như nấu súp, trộn salad, làm các món tráng miệng. Thường thì váng sữa phổ biến hơn ở các dạng có hàm lượng béo từ 10-30% (Light cream, Whipping cream).

Các loại váng sữa nhập khẩu đang được bán rộng rãi trên thị trường là sản phẩm được chế biến từ váng sữa/kem sữa với hàm lượng chất béo từ 6-15% . Do là sản phẩm đã được chế biến và thêm vào các thành phần phụ như hương liệu tạo màu, các loại hạt, chất làm đặc, chất ổn định… nên nguyên gốc tên sản phẩm không gọi là váng sữa mà phải là “món tráng miệng làm từ sữa”.

Như vậy, các sản phẩm có tên váng sữa trên thị trường chỉ là chế phẩm từ váng sữa. Dòng sản phẩm váng sữa nhập khẩu đang được nhiều nhà phân phối và người bán quảng cáo một cách “thần thánh hoá” về hiệu quả giúp trẻ chóng lớn, tăng cân, bổ sung nguồn năng lượng dồi dào, hàm lượng canxi, khoáng chất cao… giúp trẻ phát triển chiều cao vượt trội. Điều này khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng những sản phẩm này là “những gì tốt nhất được chắt lọc từ sữa”, thậm chí cho con ăn thay sữa. Thực tế thành phần chính của váng sữa là chất béo, một lượng vừa phải chất đạm và canxi. Các vitamin(A, E, B2, B12, C, PP) và khoáng chất (Magiê, Sắt, Kẽm, I-ốt, Đồng…) chỉ chiếm tỉ lệ không đáng kể trong thành phần của váng sữa mà nằm lại trong phần sữa đã tách kem. Do đó, váng sữa chỉ giàu chất béo nhưng nghèo khoáng chất, chỉ nên dùng như một thực phẩm bổ sung năng lượng cho trẻ, không được dùng thay thế sữa công thức và sữa mẹ.

Loại váng sữa nguyên chất có hàm lượng chất béo quá cao cũng không phù hợp cho trẻ em, nếu dùng thì cần chế biến bổ sung thêm các nguyên liệu khác để bé dễ tiêu hóa. Với các loại chế phẩm làm từ váng sữa với hàm lượng béo từ 7-15% cũng chỉ nên dùng cho trẻ sau 1 tuổi để tránh ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ. Nếu cho trẻ sau 1 tuổi ăn cũng chỉ nên dùng váng sữa làm bữa ăn phụ, với lượng dùng hợp lý là khoảng 1 hộp/ngày hoặc cách nhật.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia