X

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài nên ăn uống như thế nào?

Tiêu chảy kéo dài (TCKD) bắt đầu bằng một đợt tiêu chảy cấp và kéo dài trên 14 ngày.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh tiêu chảy kéo dài:

• Trẻ tiêu chảy phân lúc đặc lúc lỏng, nhiều lần trong ngày.
• Phân lỏng, mùi chua, có bọt, hậu môn đỏ, biểu hiện kém hấp thu đường.
• Phân nhày, bóng mỡ là kém hấp thu mỡ.
• Phân lổn nhổn thối, khối lượng nhiều là kém hấp thu đạm.
• Phân có mũi máu khi bị lỵ trực khuẩn.
• Phân nát không thành khuôn thường do L.Giardia.

Trẻ biếng ăn, sụt cân, chậm phát triển thể lực gây suy dinh dưỡng và thiếu vi chất (vitamin A, kẽm, sắt, đồng…). Trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn phối hợp như viêm tai giữa, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu…

Nguyên nhân của tiêu chảy kéo dài có thể là do tình trạng nhiễm khuẩn còn tồn tại khi bị tiêu chảy cấp, chế độ ăn không hợp lý, sử dụng kháng sinh kéo dài… gây tổn thương niêm mạc ruột ảnh hưởng đến quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng.

Vì vậy, khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì nên sử dụng các thức ăn dễ tiêu hoá, hấp thu, giá trị dinh dưỡng cao, khẩu phần ăn đủ đạm, năng lượng và các vi chất nhưng cần lưu ý đến tình trạng kém dung nạp đường lactose, dị ứng đạm sữa bò….

Chế độ ăn khi trẻ bị TCKD

Với trẻ dưới 6 tháng tuổi:
• Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, bú nhiều lần trong ngày.
• Nếu mẹ không có sữa thì sử dụng sữa bột công thức không có lactose hay sữa đậu nành.
Với trẻ từ 6-12 tháng tuổi
• Tiếp tục bú sữa mẹ, bú nhiều lần hơn.
• Nếu mẹ không có sữa, dùng sữa không có đường lactose hoặc pha loãng sữa bột bằng nước cháo để làm giảm 50% nồng độ đường lactose hay sữa đậu nành.
• Thức ăn bổ sung có đủ 4 nhóm thực phẩm (ngũ cốc + đạm động vật hoặc đậu đỗ + rau xanh + dầu mỡ) dễ tiêu hóa, có nồng độ thẩm thấu thích hợp. Nên sử dụng đạm động vật giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như: thịt lợn nạc, thịt gà nạc, trứng, cá quả, cá bống (đã gỡ xương). Các thực phẩm phải xay nhỏ, nấu mềm, không quá đặc cho trẻ ăn dễ . Lượng dầu, mỡ cho ít hơn bình thường (1/2 thìa cà phê).
• Chia thức ăn làm nhiều bữa trong ngày.
• Bú mẹ hoặc dùng sữa không có đường lactose hay pha loãng sữa bột bằng nước cháo, sữa đậu nành.
• Chế biến thức ăn dưới dạng mềm, không quá đặc. Thịt gà, thịt lợn nạc băm nhỏ cho vào bột, cháo và thêm dầu thực vật(1/2 đến ¾ thìa cà phê). Thịt gà dễ hấp thu, có tác dụng hồi phục sớm tổn thương niêm mạc ruột, rút ngắn thời gian tiêu chảy.
Chế độ chung cho cả 2 nhóm 6 -12 tháng và 1- 3 tuổi:
• Cho trẻ ăn trái cây loại ngọt hoặc ít chua (chuối, hồng xiêm, xoài, vú sữa…) để bổ sung kali, và các vitamin.
• Tránh sử dụng các thức ăn, nước uống quá mặn hoặc quá ngọt vì dễ kéo dài thời gian tiêu chảy.
• Bổ sung thêm cho trẻ vitamin A, sắt, acid folic, kẽm để cơ thể nhanh chóng phục hồi tổn thương niêm mạc ruột.
• Khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường theo lứa tuổi và cho ăn thêm mỗi ngày một bữa, kéo dài một tháng sau khi khỏi bệnh.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia