X

Thiếu I-ốt có tác hại đến sức khoẻ như thế nào?

Thiếu I-ốt gây nên bướu cổ và đần độn. Bướu cổ là hình ảnh phì đại của tuyến Giáp. Tuyến Giáp là nơi sản xuất ra các hóc môn giáp trạng, trong đó I-ốt là một nguyên liệu chủ yếu để tổng hợp các hóc môn này. Khi thiếu I-ốt cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng sinh tuyến giáp, nhằm tăng cường hoạt động để sản sinh lượng hóc môn bù lại, vì vậy dẫn đến hiện tượng phì đại tuyến giáp hay bướu cổ.

Bướu cổ do thiếu I-ốt chỉ là phần bên ngoài mà chúng ta dễ nhận thấy nhất. Điều quan trọng là thiếu I-ốt còn gây ra một loạt các rối loạn chức năng do làm ảnh hưởng tới sự tổng hợp các hóc môn (T3, T4) tuyến giáp với các hậu quả nghiêm trọng mà khó có thể đánh giá được. Hóc môn T3, T4 của tuyến giáp có chức năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, giữ cho não bộ luôn minh mẫn, giúp tim đập nhịp nhàng và duy trì sự hài hòa giữa các cơ quan trong cơ thể một cách cơ bản, chúng rất cần thiết cho sự phát triển thể lực, trí tuệ của trẻ em. Bởi vậy khi thiếu I-ốt thường gặp các rối loạn sau:

Ở thời kỳ thiếu niên, thiếu I-ốt khiến sự phát triển thể chất cũng như trí não không bình thường, có thể bị thiểu năng trí tuệ, chậm lớn…. Bướu cổ và đần độn là hai biểu hiện hay gặp nhất liên quan đến thiếu I-ốt. Phụ nữ mang thai bị thiếu I-ốt dễ gây sảy thai, thai chết lưu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bào thai, đặc biệt là não bộ của trẻ. Khi mẹ thiếu I-ốt từ mức trung bình đến nặng có thể gây chậm phát triển não của thai nhi và sinh ra đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí
đần độn hoặc mang khuyết tật…

Về mặt xã hội, thiếu I-ốt gây giảm năng suất lao động, giảm khả năng phát triển trí tuệ của cả một cộng đồng.

Để phòng tránh những rối loạn do thiếu I-ốt, chế độ ăn cần tập trung vào những thực phẩm giàu I-ốt như: sushi cuốn rong biển, các loại tảo và rong biển, các loại cá, sò biển được đánh bắt tự nhiên, như cá bơn, cá tuyết, cá hồi và sò điệp…, vì đó là những thực phẩm có nhiều I-ốt và cả Selen. Sử dụng muối I-ốt trong chế biến thức ăn.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia