90% nguyên nhân gây táo bón ở trẻ liên quan đến chế độ ăn uống và sinh hoạt chưa được hợp lí, chỉ còn lại khoảng 10% có thể do lỗi bẩm sinh ở đường tiêu hóa như dài đại tràng, phình đại tràng bẩm sinh…, do thuốc, do mắc các bệnh toàn thân như thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng…
Nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ít bị táo bón hơn trẻ dùng sữa công thức. Nếu bà mẹ bị táo bón sau sinh, ăn nhiều đồ cay nóng, uống thuốc giảm cân… có thể qua sữa làm cơ thể bé bị nóng dẫn đến mất nước, phân khô khó di chuyển gây ra táo bón. Trong những tháng đầu sau sinh, nếu trẻ được bú
mẹ hoàn toàn có thể lượng phân ít nên 2 – 3 ngày bé mới đi đại tiện một lần mà phân mềm, dễ đi thì vẫn bình thường. Nhưng trẻ sơ sinh dễ bị táo bón khi bổ sung thêm sữa hộp hoặc ăn dặm sớm do có sự thay đổi về thức ăn mà bé chưa kịp thích nghi.
Nguyên nhân táo bón ở trẻ nhỏ
Táo bón ở trẻ nhỏ có nguyên nhân chủ yếu từ chế độ ăn uống chưa hợp lý, uống chưa đủ lượng nước hàng ngày, ăn ít chất xơ từ rau xanh, uống các sản phẩm từ sữa bò không hợp lý làm phân khô cứng. Ngoài ra có thể trẻ ăn quá ít nên phân không đủ lớn hay do ham chơi không tạo thói quen đại tiện đúng giờ cũng gây ra táo bón.
Trẻ có thói quen nhịn ỉa sẽ gây phình to đại tràng dẫn đến táo bón.
Nếu tiếp tục để táo bón kéo dài có thể gây ra các bệnh ở trẻ như chảy máu, nứt kẽ, viêm loét hậu môn gây đau rát, xa trực tràng và bệnh trĩ.
Chữa táo bón cho trẻ an toàn
Khi trẻ bị táo bón, có người thiếu tìm hiểu, vội vàng sử dụng thuốc nhuận tràng, kích thích, như vậy có thể không an toàn; dùng dịch bơm bôi trơn hay viên nhét hậu môn chỉ là giải pháp tình thế giúp trẻ có thể đại tiện ngay, nhưng nguyên nhân làm phân khô rắn vẫn còn tồn tại, ngoài ra dùng các kích thích, hỗ trợ thường xuyên có thể làm trẻ quen và không tự giác đi đại tiện. Cần dùng các biện pháp an toàn và hiệu quả cho trẻ hơn.
Chữa táo bón cho trẻ sơ sinh
Trong bất kể trường hợp nào thì cũng không vội cho trẻ uống thuốc nhuận tràng nếu không có chỉ định của thầy thuốc. Nếu bé đang bú sữa mẹ hoàn toàn thì cần điều chỉnh chế độ ăn của người mẹ: hạn chế tối đa những đồ ăn cay nóng, các chất kích thích, nên tăng cường bổ sung chất xơ từ rau xanh và củ quả tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Mẹ cần cho bé bú tăng cường thêm để có thêm nước và lượng phân lớn hơn giúp quá trình đẩy phân được thuận lợi. Có thể xoa bụng cho bé theo hình vòng tròn, hoặc di chuyển chân cho bé như kiểu đạp xe làm tăng nhu động ruột. Trường hợp thật sự cần thiết, bé khó chịu, quấy khóc nhiều mới nên thụt bằng dịch bôi trơn. Nếu bé đã dùng sữa ngoài, cha mẹ cần xem xét và có thể thay đổi loại sữa phù hợp hơn cho bé, chú ý pha sữa đúng lượng nước theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Cũng có thể dùng men vi sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Chữa táo bón cho trẻ nhỏ
Khi bị táo bón cho trẻ ăn các loại thức ăn có nhiều chất xơ: các loại rau xanh đặc biệt là các loại rau có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, rau mồng tơi, rau dền… thái, băm (xay) rau nhỏ cho vào bát bột, bát cháo; trẻ lớn hơn có thể luộc, nấu canh rồi cho ăn riêng. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thêm khoai lang, khoai sọ, khoai tây, ăn nhiều các loại quả chín như đu đủ, chuối, cam, bưởi. Trước khi ăn thì nên xoa bụng cho trẻ kích thích, nhu động ruột. Cho trẻ dùng đủ lượng nước hàng ngày, mùa hè nên tăng lượng nước bù lại lượng mồ hôi thoát ra. Bữa ăn đủ lượng thức ăn có tăng cường chất xơ từ rau xanh và củ quả tươi. Cho bé ăn sữa chua hàng ngày. Tập cho trẻ đại tiện đúng giờ, không nhịn khi buồn đại tiện, vận động vui chơi hợp lý. Có thể dùng thêm men vi sinh và chất xơ hòa tan cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trường hợp táo bón kéo dài hoặc trẻ khóc do đau, cần đưa trẻ đi khám, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhuận tràng sau khi đã loại trừ 2 bệnh lý quan trọng là: Tắc ruột cấp tính và bệnh phình đại tràng bẩm sinh.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia