Nước lá vối và nụ vối là loại nước giải khát bình dân nhất của người dân lao động từ xa xưa ở nước ta vì nước vối cung cấp cho cơ thể một số muối khoáng và vitamin cần thiết. Trong lá và nụ vối còn có một chất mang tính kháng sinh thực vật diệt được nhiều mầm vi khuẩn gây bệnh kể cả vi khuẩn Gram âm và Gram dương, nhưng nên thu hái lá và nụ vào mùa đông thì tính kháng sinh cao nhất. Nhờ vậy chè nụ vối hoặc lá vối có tác dụng phòng và chữa trong những trường hợp đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy và viêm họng. Lá vối tươi hay khô nấu nước tắm hoặc ngâm rửa chính là một loại dung dịch có tính sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt, chốc đầu, phụ nữ viêm phần phụ.
Theo Y học cổ truyền, toàn cây vối có vị hơi đắng chát, tính mát, không độc, tác dụng thanh nhiệt , sát trùng, tiêu trệ. Dân gian thường dùng lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng. Lá vối chứa tanin, những vết alcaloid (thuộc nhóm indolic) gần giống cấu trúc của cafein và một lượng tinh dầu (4%) bay hơi mùi thơm. Các bộ phận khác nhau của cây còn chứa các sterol, chất béo, tanin, catechin và gallic. Theo kết quả của những công trình nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy thành phần hoạt tính của nụ vối đã xác định được cấu trúc là một hợp chất polyphenol tên là 2’, 4’-dihydroxy-6’- methoxy-3’, 5’dimethylchalcone (gọi tắt là DMC), chính chất này đã tạo ra hiệu ứng đảo ngược trên các tế bào ung thư đa kháng thuốc (Multidrug resistance). Đông y cho rằng, nước vối có công hiệu giải khát trong những ngày hè nóng nực, làm mát và lợi tiểu nên có công năng đào thải các độc chất trong cơ thể qua đường niệu; Nước vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng có trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, các chất tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nhưng không làm tổn hại đến những loại vi khuẩn có ích cư trú tại ống tiêu hóa.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng giữa Nhật Bản và Việt Nam trong 7 năm qua đã chứng minh các tác dụng của chè nụ vối nhờ các hợp chất flavonoid rất hiệu quả trong việc hỗ trợ phòng và điều trị bệnh nhân đái tháo đường, nó giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, chống oxy hóa tế bào, bảo vệ tổn thương tế bào beta tuyến tụy, phòng ngừa đục thủy tinh thể ở người bệnh đái tháo đường và giúp tăng chuyển hóa cơ bản. Chè vối không có tác dụng phụ đáng kể.
Trên thực tế, nụ vối với các thành phần hoạt chất chính như polyphenol, flavonoid… đều tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, mọi đối tượng đều có thể dùng được nụ vối. Tuy nhiên dù không độc nhưng vẫn chú ý khi sử dụng, người già hay bị táo bón, thiếu tân dịch không nên uống nhiều. Không nên dùng liên tục trong nhiều tháng để tránh hiện tượng tích lũy. Chỉ đối với người đái tháo đường thì mới nên pha nước nụ vối đặc. Còn người bình thường, thưởng thức trà nụ vối giống như các loại trà khác, không pha đặc. Người đang có bệnh khác cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia