Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ vì sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng và kháng thể mà trẻ cần, đặc biệt là trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ làm giảm nguy cơ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn, một số bệnh dị ứng như hen suyễn, chàm, sởi. Sữa mẹ còn có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của bé bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại:
- Chất đạm và chất béo trong sữa mẹ dễ tiêu hoá và dễ hấp thụ.
- Đường Lactose trong sữa mẹ nhiều hơn các loại sữa khác. Đó là nhu cầu thiết yếu cho cơ thể đang phát triển của trẻ.
- Chất sắt trong sữa mẹ tuy ít, nhưng dễ hấp thu nên trẻ bú mẹ sẽ không bị thiếu máu do thiếu sắt.
- Sữa mẹ có đầy đủ các loại vitamin và lượng nước cần thiết cho trẻ ngay cả khi thời tiết nóng. Nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu không cần bổ sung thêm nước, vitamin, hoặc nước hoa quả.
- Sữa mẹ chứa đủ lượng canxi và phốt pho lại ở tỉ lệ cân đối giúp trẻ phát triển tốt, ít bị còi xương.
Thành phần sữa mẹ thay đổi theo từng giai đoạn:
Sữa non (tên khoa học gọi là Colostrum): Sữa mẹ trong vài ngày đầu (3 – 4 ngày) sau khi sinh gọi là sữa non, có màu vàng nhạt và đặc sánh.
- Sữa non có nhiều chất dinh dưỡng, có một lượng lớn kháng thể tự nhiên bảo vệ cơ thể, giúp trẻ chống nhiễm khuẩn, nhiễm virut và dị ứng, Đặc biệt các kháng thể IgG, IgA, IgF,,…làm tăng hệ miễn dịch của trẻ, bảo vệ đường tiêu hóa và phá hủy các tác nhân gây bệnh.
- Sữa non có tác dụng xổ nhẹ, giúp cho việc đào thải phân xu, trẻ đỡ bị vàng da.
- Các yếu tố phát triển trong sữa non giúp cho bộ máy tiêu hoá của trẻ trưởng thành.
- Sữa non có nhiều vitamin A giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn và bệnh khô mắt do thiếu vitamin A.
- Vì vậy, nên cho trẻ bú sớm ngay trong một giờ đầu sau khi sinh và cho bú sữa non. Không cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ một thức ăn, thức uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.
Sữa chuyển tiếp: Trong khoảng 4 đến 5 ngày sau khi sinh, một lượng lớn sữa chuyển tiếp sẽ được tiết ra thay thế sữa non. Sữa chuyển tiếp béo và sệt hơn, được tiết ra sau sữa non và bắt đầu trong khoảng từ 4 – 5 ngày sau sinh cho đến 10-14 ngày sau khi sinh. Bầu ngực của người mẹ sẽ to ra và trở nên cứng hơn do phải sản xuất ra một lượng sữa chuyển tiếp nhiều hơn rất nhiều so với sữa non trước đó. Cảm giác căng đầy và nặng nề này có thể khiến bà mẹ cảm thấy khó chịu. Có thể trẻ sẽ thấy khó khăn hơn khi ngậm bắt vú. Tuy nhiên chỉ cần thực hành và mong muốn nuôi con bằng sữa mẹ, bạn sẽ giúp trẻ ngậm bắt vú tốt hơn và việc cho trẻ bú liên tục cũng giúp làm giảm cảm giác căng tức ngực.
Sữa trưởng thành: Khoảng gần hai tuần sau khi sinh, cơ thể người mẹ sẽ bắt đầu sản xuất ra sữa trưởng thành. Sữa trưởng thành có 2 loại: sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu được tiết ra trước, chứa nhiều nước giúp trẻ không bị khát. Sữa cuối được tiết ra sau, có màu hơi đục và chứa nhiều chất béo hơn (nhiều năng lượng hơn) và giúp trẻ không bị đói và tăng cân. Việc cho trẻ bú cả sữa đầu và sữa cuối là cực kỳ quan trọng để đảm bảo trẻ nhận được đầy đủ dưỡng chất cần thiết và cũng giúp trẻ no lâu và tăng cân tốt hơn.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia