Suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi là tình trạng trẻ có chiều cao theo tuổi thấp so với chiều cao chuẩn, đây là dạng suy dinh dưỡng mãn tính, kéo dài. Hầu hết các trường hợp thấp còi xảy ra trước khi trẻ được 3 tuổi. Người ta đã thấy một cách rõ ràng là trẻ em bị thấp còi thì sau này trở thành người lớn cũng có chiều cao thấp. Hơn nữa, những người bị SDD thấp còi thường có nguy cơ tử vong cao, dễ mắc bệnh hơn so với người bình thường, đồng thời khả năng lao động cũng kém hơn so với người bình thường. Trẻ em gái bị SDD thấp còi lớn lên trở thành người phụ nữ thấp còi khi sinh nở sẽ khó khăn và khi nguy cơ đẻ con SDD thấp còi cao hơn.
Có 3 giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển chiều cao:
Giai đoạn bào thai: Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) bào thai hoặc sinh non tháng, nhẹ cân, thấp chiều cao, thì nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi rất cao.
Giai đoạn trẻ dưới 2 tuổi: Chiều cao lúc trẻ 2 tuổi bằng ½ chiều cao lúc trẻ trưởng thành, vì vậy cách nuôi trẻ dưới 2 tuổi là vô cùng quan trọng.
Giai đoạn tuổi tiền dậy thì và dậy thì: Đây là giai đoạn phát triển chiều cao rất tốt 10 – 13 tuổi ở trẻ gái, 13 – 17 tuổi ở trẻ trai. Vì vậy, trẻ gái sau khi hành kinh, trẻ trai sau 17 tuổi sẽ rất khó có thể cao được nhiều nữa.
Về chế độ dinh dưỡng
- Cung cấp đủ năng lượng theo lứa tuổi của trẻ, trẻ không thể cao được nếu chế độ ăn thiếu năng lượng, bằng cách ăn đủ các bữa cháo, bột, cơm… hằng ngày theo tháng tuổi, bổ sung đầy đủ dầu mỡ trong các bữa ăn.
- Ưu tiên ăn đủ các thức ăn chứa nhiều chất đạm: Thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa…, ăn thêm đậu đỗ vừng lạc.
- Chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm: Cũng chính là các thức ăn có nguồn gốc động vật, giàu chất đạm như trứng, sữa, hải thủy sản, thịt… Đặc biệt, tăng cường các loại thức ăn có chứa nhiều kẽm như thịt gà, thịt ếch, con hàu… vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.
- Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và tiếp tục bú đến 2 tuổi. Nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa thì phải được bổ sung sữa bột công thức theo tháng tuổi, khi trẻ đã lớn vẫn phải duy trì uống sữa và chế phẩm sữa hàng ngày vì sữa là nguồn cung cấp canxi chính trong bữa ăn của trẻ, canxi trong sữa rất dễ hấp thu; nên cho trẻ ăn nhiều tôm, cua, cá, vừng là những thực phẩm dễ kiếm và là nguồn canxi dồi dào.
- Ăn nhiều rau xanh, quả chín cũng giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vitamin, chất khoáng hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt canxi và các vi chất như sắt,kẽm,… Bên cạnh chế độ ăn, cũng cần bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc như vitamin D, vitamin A, canxi, kẽm, sắt,… theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Điều trị kịp thời các bệnh còi xương, rối loạn tiêu hóa khi trẻ mắc phải.
- Chế độ luyện tập thể dục thể thao cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao của trẻ: Các môn thể thao giúp trẻ phát triển chiều cao như: bơi lội, đạp xe, cầu lông, tăng cường thời gian hoạt động ngoài trời ở những nơi không gian thoáng, sạch…
Để trẻ lớn lên khỏe mạnh, thông minh, các bà mẹ không chỉ quan tâm đến cân nặng của trẻ mà còn phải quan tâm đến chiều cao, vì chiều cao chỉ có từng giai đoạn để trẻ phát triển, nếu bỏ qua thì sẽ không thể lấy lại được.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia