Bình thường chúng ta cần ăn 3 bữa trong ngày là bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Sau khi ăn, thức ăn được chứa đựng trong dạ dày, tại đây thức ăn được nhào trộn với các men tiêu hoá nhờ sự co bóp của dạ dày và sau đó đẩy dần xuống ruột non.
Thời gian lưu thức ăn trong dạ dày phụ thuộc vào tuổi, giới, hoạt động thể lực, trạng thái tâm lý… Nhưng phụ thuộc chủ yếu vào bản chất hoá học của thức ăn : gluxit lưu lại trong dạ dày trung bình 4 giờ, protit là 6 giờ và lipit là 8 giờ.
Nếu không ăn sáng là không tốt vì từ bữa ăn tối đến sáng hôm sau thời gian nhịn ăn tối thiểu là 10 giờ. Dạ dày chúng ta luôn co bóp lúc có thức ăn cũng như lúc không có thức ăn. Nếu không ăn sáng, dạ dày trống rỗng vẫn co bóp sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày và có cảm giác cồn cào. Đồng thời khi quá đói đường huyết giảm dễ dẫn đến mệt mỏi và giảm năng suất lao động. Mặt khác cường độ làm việc, hoạt động và học tập của mọi người trong buổi sáng là rất cao, vì vậy bữa ăn sáng phải là bữa ăn cung cấp năng lượng chủ yếu cho hoạt động trong ngày, đặc biệt là sau một bữa tối cách xa bữa ăn sáng 10 – 12 tiếng đồng hồ. Việc nhịn bữa ăn sáng sẽ gây nên tình trạng mất tập trung, giảm khả năng làm việc vào cuối buổi. Buổi sáng là buổi cơ thể hoạt động rất nhiều, các hoạt động đó có thể giúp tiêu hao hết năng lượng đã ăn vào bữa sáng nên sẽ không có hiện tượng tích lũy mỡ dư thừa như khi ăn vào buổi tối.
Nhưng cũng không có nghĩa là có thể ăn thả cửa vào bữa sáng. Việc lựa chọn thức ăn rất quan trọng và thường đóng vai trò chủ yếu trong việc giữ để không tăng cân. Mọi người vẫn phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng các thức ăn đa dạng từ 4 nhóm thực phẩm: nếu ăn bánh mì sữa nên có thêm mấy lát dưa leo; nếu ăn mì tôm nên nấu với ít cà chua, rau cải cúc, vài miếng thịt… Nên tránh các thức ăn có nhiều dầu mỡ, đường. Nên dùng thêm một ít trái cây sau bữa ăn sáng, một món uống nhẹ ít hoặc không đường như sữa đậu nành, trà… cũng sẽ làm phong phú hơn cho bữa ăn sáng của bạn.
Ngạn ngữ đã có câu: “Bữa ăn sáng là bữa ăn dành cho chính bạn, bữa ăn trưa dành cho bạn bè và bữa ăn tối hãy dành cho kẻ thù”.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia