X

Nguồn sống từ thực vật

Đã bao giờ các bạn tự hỏi rằng: Tại sao các loại trái cây, rau củ lại có nhiều màu sắc khác nhau? Bí mật nào đằng sau những màu sắc ấy? Nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng “nguồn sống” của mỗi loài thực vật tạo nên màu sắc của chúng và có thể mang tới nhiều lợi ích quan trọng cho cơ thể của chúng ta như giúp chống oxy hóa, kháng khuẩn, tăng cường miễn dịch, điều hòa hormone… cho cơ thể.

 Để giải đáp bí mật ấy, PGS. TS. BS. Nguyễn Đỗ Huy – GĐ Trung tâm đào tạo, Viện dinh dưỡng Quốc gia đã chia sẻ câu chuyện NGUỒN SỐNG TỪ THỰC VẬT trong ALO AKIO số 4 & 5 vào 9h – 10h sáng Chủ Nhật ngày 12 & 19/09/2021.

Tại chương trình, PGS. Nguyễn Đỗ Huy chia sẻ 3 nội dung chính:

Nội dung thứ nhất là “Khái niệm về Oxy hóa (OXH) và chất chống Oxy hóa”. PGS. Nguyễn Đỗ Huy đã cùng giao lưu và nhắc lại kiến thức về gốc tự do (chất OXH) nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề và đưa ra một số nguyên nhân dẫn tới gốc tự do (sự OXH).

Gốc tự do là phân tử, ion hay một nguyên tử có số electron lẻ nên thường không ổn định dễ dàng phản ứng với các phân tử khác trong tế bào. Các gốc tự do có hoạt tính rất mạnh nếu tăng quá mức sẽ gây ra những tổn thương đến tế bào, làm tăng nguy cơ bệnh tật. Chúng là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, một phần được đưa vào từ thức ăn, không khí thở và một số được tạo ra do tác động của ánh sáng mặt trời trên da và mắt…

Mặt khác, tác động của chất OXH gây ra Stress oxy hóa dẫn đến những tổn thương mạn tính và cuối cùng gây nên những căn bệnh như: Ung thư, xơ vữa động mạnh, bệnh tim mạch, đục thủy tinh thể, rối loạn chức năng miễn dịch, lão hóa,… Và chất chống OXH trong thực phẩm là các phân tử có thể bảo vệ các đại phân tử (ví dụ ADN, lipid và protein) khỏi quá trình OXH. Như vậy thì chất chống OXH có vai trò rất quan trọng trong việc cản trở những tổn thương từ chất OXH gây nên. Tuy nhiên, có nhiều tranh luận cho rằng việc tiêu thụ một lượng lớn chất chống OXH ở dạng bổ sung chưa thực sự mạng lại lợi ích cho sức khỏe Và chính phủ Hoa Kỳ đã kêu gọi người dân rằng: “Rau và trái cây” là thực phẩm lành mạnh và nguồn chất chống OXH phong phú đối với đời sống hàng ngày.

Nội dung thứ hai là “Hóa chất thực vật/ Dưỡng chất thực vật”. Theo đó, PGS. cho biết hóa chất/ hợp chất thực vật là các hóa chất được tạo ra bởi thực vật, giúp thực vật điều hòa sinh trưởng, chống lại sâu bệnh và tác động có hại của ánh sáng mặt trời… Và có đến 40.000 hợp chất thực vật khác nhau được sử dụng dưới dạng dược liệu, gia vị, trà và thực phẩm,… Về phân loại thì hợp chất thực vật được phân thành 5 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là nhóm hợp chất dinh dưỡng thiết yếu được lấy từ chế độ ăn hoặc trong tự nhiên. Nhóm thứ hai là nhóm các polyphenol và flavonoid là chất chống OXH. Nhóm thứ ba là nhóm chất xơ từ thực vật. Nhóm thứ tư là độc tố thực vật gây độc cho con người (ví dụ acid cyanhydric có trong cây sắn gây chết người,… ). Nhóm cuối cùng gây cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng.

Và dưỡng chất thực vật nằm trong một nhóm nhỏ của hợp chất thực vật và có tác động tốt cho con người, có vai trò như: chống OXH; tác động đến nội tiết tố (điều hòa hormone cho cơ thể); hỗ trợ enzyme giúp giải độc; can thiệp vào quá trình sao chép ADN; tác dụng kháng khuẩn, kháng virus; hỗ trợ chức năng miễn dịch; hỗ trợ chuyển hóa cholesterol,… Dưỡng chất thực vật có khả năng tăng cường sức khỏe, bảo vệ và chống lại quá trình sản sinh gốc tự do gây nên các bệnh mạn tính hoặc làm giảm nhẹ, thay đổi theo hướng tích cực nếu như không may mắc phải. Như vậy các hoạt động chống OXH và chống bệnh tật của thực phẩm nguồn gốc thực vật được cho là xuất phát từ “tác dụng hỗ trợ” và “hiệp đồng tác dụng” của các dưỡng chất thực vật trong thực phẩm.

Nội dung cuối cùng là “Sử dụng đa dạng các loại rau quả để có đủ dưỡng chất thực vật”. PGS. Nguyễn Đỗ Huy đã bật mí cho chúng ta những màu sắc của thực vật nắm vai trò quan trọng đến các cơ quan, chức năng trong cơ thể.

Theo đó, thực phẩm có màu tím giàu chất chống OXH rất tốt cho trí não và có trong các thực phẩm như việt quất, mâm xôi đen, nho tím, cà tím, mận, bắp cải tím…). Thực vật có màu đỏ hỗ trợ sức khỏe tim mạch và có trong mâm xôi đỏ, dâu tây, cherry, lựu, ớt chuông đỏ, cà chua, dưa hấu, anh đào… Thực phẩm có màu xanh hỗ trợ sức khỏe cho phổi sẽ có trong các loại rau có lá màu xanh đậm, táo xanh, kiwi, quả bơ,… Thực phẩm có màu trắng/nâu thì có chức năng hỗ trợ sức khỏe của xương khớp có trong hành tây, súp lơ, tỏi, củ cải trắng, nấm,… Và cuối cùng là thực phẩm có màu vàng thì có tác động mạnh nhất cho hệ miễn dịch có trong dưa vàng, đu đủ, đào, xoài, ngô, khoai lang, nghệ, dứa,… Bên cạnh đó PGS. khích lệ mọi người nên tiêu thụ thực phẩm theo “7 sắc cầu vồng” để có tác dụng hiệp đồng tốt nhất giữa các loại thực phẩm.

Phần thảo luận với câu hỏi cuối bài: “Chúng ta có nên thay đổi cách ăn từ bát sang bài trí trên đĩa không?” được mọi người hưởng ứng nhiệt tình và hứa hẹn sẽ thực hành trong chính gia đình của mình vì lợi ích mà nó mang lại không những về thẩm mĩ mà nhờ việc ăn bằng đĩa thì chúng ta sẽ dễ dàng tính toán được năng lượng nạp cho cơ thể và chủ động tăng giảm theo nhu cầu, hạn chế được các căn bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Kết thúc bài chia sẻ, PGS. Nguyễn Đỗ Huy đã hướng dẫn mọi người ước lượng lượng thực phẩm ăn vào trên chính đôi tay của mình: “Một phần ăn của Đạm bằng 1 lòng bàn tay, một phần ăn của Rau bằng 1 nắm tay, một phần ăn của Tinh bột bằng 1 vốc bàn tay và một phần ăn của Lipid bằng 1 ngón tay cái”.

 

Video chương trình: