X

Người cao tuổi nên ăn rau như thế nào?

Chế độ ăn của người cao tuổi cần có đủ các thành phần dinh dưỡng gồm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Rau quả và trái cây cung cấp các vitamin, chất khoáng và chất xơ giúp tăng cường chuyển hóa thức ăn và chống táo bón, ngoài ra chất xơ còn có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu ở người cao tuổi.

Nhưng do hệ tiêu hóa của người cao tuổi suy yếu, sự di chuyển phân trong đường ruột cũng chậm hơn bởi giảm nhu động của ruột non và đại, trực tràng. Nhiều cụ cao tuổi, răng rụng đi nhiều, không sử dụng răng giả cho nên hạn chế sự nhai, nghiền thức ăn khiến thức ăn khó tiêu không được nghiền kỹ, thức ăn còn ở dạng thô, di chuyển trong ống tiêu hóa càng chậm và khó khăn. Do vậy người cao tuổi cần chọn các loại rau non, không quá nhiều xơ (Cellulose), không nên ăn một lượng rau quá nhiều một bữa, mà cần chia nhỏ lượng rau ra làm nhiều bữa. Đặc biệt là món canh măng (cả măng khô và măng tươi) các cụ chỉ nên ăn một lượng rất ít vì trong măng lượng xơ rất nhiều. Nếu các cụ ăn một lúc nhiều rau có nhiều chất xơ lại nhai không kỹ, sự co bóp của dạ dày yếu, sự lưu thông của ruột kém sẽ gây bí trệ cho đường tiêu hóa thậm chí có thể gây tắc ruột. Ăn ít các loại quả có nhiều tanin như như hồng xiêm, hồng ngâm, sung, ổi, óc… vì khi có sự kết hợp, kết dính khối sợi xơ không tan trong nước trong thành phần quả này chúng sẽ tích tụ và quyện vào nhau tạo thành u bã thức ăn, có thể gây tắc ruột non. Nhiều trường hợp người cao tuổi phải nhập viện với chẩn đoán: Tắc ruột do bã thức ăn, phải mổ cấp cứu. Khi bị tắc ruột do bã thức ăn thường triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, bệnh diễn biến tăng dần nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Tắc ruột nếu không được xử lý phẫu thuật kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nặng như: vỡ, thủng, hoại tử ruột, viêm phúc mạc gây nguy hại đến tính mạng.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia