X

Tự kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường trong đại dịch covid-19

Câu chuyện dinh dưỡng và sức khỏe số thứ 2 đã diễn ra với chủ đề “Ổn định đường huyết – Quyết thắng cô Vy” tiếp tục được chia sẻ bởi Ths. Bs Đặng Đức Ngọc đang công tác tại Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện E và Bộ môn Dinh dưỡng Lâm sàng & Y học gia đình – ĐH Y Dược, ĐHQGHN.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa đường huyết mạn tính gây ra nhiều biến chứng nặng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tính mạng người bệnh. Trong bối cảnh hiện nay, số bệnh nhân nhiễm Covid-19 không ngừng gia tăng, chú trọng là các tỉnh phía Nam. Vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có bệnh lý nền kèm theo là một trong những vấn đề rất cấp thiết đối với người bệnh. Đặc biệt là bệnh nhân có bệnh lý nền ĐTĐ – một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu khi mà bệnh nhân nhiễm Covid.

Với thông điệp: “TỰ KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT Ở NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19”, tại chương trình, Ths. Bs. Đặng Đức Ngọc đã chia sẻ ba nội dung chính.

Thứ nhất là Bệnh ĐTĐ là gì? để mọi người có cái nhìn đúng đắn nhất. Ths. Bs. Ngọc trăn trở về vấn đề thông tin mà cộng đồng tiếp nhận được từ quảng cáo, các kênh thông tin sai lệch không có căn cứ cơ sở sẽ gây hiểu lầm có thể dẫn đến nguy hại về sức khỏe cho người bệnh. Như chúng ta đã biết thì bệnh ĐTĐ được xếp vào những căn bệnh mạn tính không lây. Và đã nhắc tới “mạn tính” là chúng ta cần hiểu rằng người bệnh cần tìm cách sống chung, kiểm soát bệnh thật tốt.

Thứ 2, về mối liên quan giữa Covid-19 và ĐTĐ thì theo thống kê từ Hội đái tháo đường của Mỹ cho thấy: Thứ nhất, người mắc ĐTĐ không có khả năng bị nhiễm Covid- 19 nhiều hơn dân số chung. Thứ hai, người mắc ĐTĐ là một trong những nhóm có nguy cơ phát triển nặng do Covid- 19. Thứ ba, nguy cơ bệnh tiến triển nặng khi mắc Covid- 19 của 2 đối tượng, ĐTĐ type 1 và type 2 là như nhau.

Cuối cùng là: Làm thế nào để theo dõi và kiểm soát đường huyết tại nhà? Bs Ngọc đã thống kê 4 mục tiêu chính:

  1. Duy trì mục tiêu dinh dưỡng điều trị.
  2. Tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng điều trị.
  3. Kết hợp tập luyện thể lực phù hợp.
  4. Tuân thủ thuốc điều trị khi có chỉ định dùng thuốc.

Ths. Bs. Đặng Đức Ngọc đặc biệt lưu ý rằng vấn đề quan trọng nhất là người bệnh/người chăm sóc cần xác định mục tiêu điều trị và tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng để đạt được mục tiêu:

  • Đưa glucose máu về giới hạn gần bình thường/ở mức an toàn nhằm ngăn ngừa/ giảm biến chứng của ĐTĐ:
    • HbA1C < 7%.
    • Glucose huyết tương mao mạch trước ăn: 80- 130 mg/dL (4,4- 7,2 mmol/l).
    • Glucose huyết tương mao mạch sau ăn 2h: < 180 mg/dL (< 10 mmol/l).
  • Mục tiêu đường huyết đối với ĐTĐ thai kỳ:
    • Trước ăn: ≤ 5.3 mmol/l
    • Sau ăn 1h: ≤ 7,8 mmol/l
    • Sau ăn 2h: ≤ 6,7 mmol/l

Tuân thủ mục tiêu điều trị kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp, hoạt động thể lực hợp lý sẽ góp phần kiểm soát và ổn định đường huyết.

Bs. Ngọc cũng khuyến khích người bệnh nên “sắm” cho mình một chiếc máy đo đường huyết tại nhà để chúng ta có thể chủ động theo dõi. Bên cạnh đó, một số thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và hướng dẫn đọc nhãn mác, tiêu thụ thực phẩm như thế nào để không vượt quá lượng đường hấp thu vào máu cũng được chia sẻ trong bài nói chuyện.

Kết thúc bài chia sẻ, Bs. Ngọc đã có phần hỗ trợ giải đáp, trao đổi với rất nhiều người bệnh/người nhà người bệnh và các cán bộ trong ngành dinh dưỡng/y tế đang chăm sóc bệnh nhân ĐTĐ. Việc bổ sung thêm kiến thức và kinh nghiệm hi vọng góp phần giúp thêm nhiều bệnh nhân ĐTĐ kiểm soát chặt chẽ nồng độ đường huyết và ngăn chặn các biến chứng bệnh là yếu tố quan trọng giảm tỷ lệ bệnh nhân tiến triển năng và tử vong do Covid- 19.

 

Video chương trình: