X

Khi bị Đái tháo đường (ĐTĐ) cần ăn uống thế nào?

Insulin được tuyến tụy bài tiết đóng vai trò quan trọng không chỉ trong chuyển hoá glucid để duy trì đường huyết và nguồn dự trữ năng lượng glycogen tại gan mà cả trong chuyển hoá protid và lipid.

Có 2 dạng ĐTĐ chính:

  • ĐTĐ type I: Người bệnh không có Insulin
  • ĐTĐ type II: Người bệnh có Insulin nhưng Insulin hoạt động không hiệu quả.

Trong điều trị đái tháo đường, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng. Ở bệnh nhân đái tháo đường type II chỉ có chế độ ăn thích hợp và tăng cường hoạt động thể lực cũng đủ để chữa bệnh giai đoạn đầu.

Nguyên tắc ăn uống khi bị bệnh đái tháo đường:

Cung cấp đủ chất dinh dưỡng và các thức ăn thích hợp có chọn lọc nhằm đảm bảo được cuộc sống bình thường.

Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa và đủ. Người gầy cần phải tăng cân, người béo cần phải giảm cân.

Chia bữa ăn hợp lý và ăn phụ để đảm bảo nhu cầu về năng lượng: 3 bữa chính, 1 đến 3 bữa phụ (ăn nhẹ).

Bỏ dần các thói quen ăn ngọt, ăn xào, ăn rán quá béo, nghiện rượu. Chú ý các chế độ ăn đặc biệt cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em đang lớn, người có biến chứng nặng như tăng huyết áp,
suy tim, suy thận,…

Năng lượng khẩu phần:
Chất đạm (protid):15 – 18%
Chất béo (lipid): 20 – 25%
Chất bột đường( glucid): 60-65%

Phân chia tỷ lệ thức ăn cho 3 bữa ăn chính và các bữa phụ. Đối với người dùng insulin cần 1 bữa phụ trong đêm.

Xin giới thiệu một thực đơn cho người ĐTĐ:
Ăn sáng: 6h30 – 7h00 giờ 20% số lượng thực phẩm các loại trên.
Ăn trưa: 11h30 – 12h00 30% số lượng thực phẩm các loại trên.
Ăn tối: 18h00 – 19h00 30% số lượng thực phẩm các loại trên
Ăn nhẹ thêm 10 % số lượng thực phẩm các loại trên vào giữa sáng và giữa chiều.
Nếu có dùng Insulin nên có 3 bữa ăn nhẹ ( giữa sáng, chiều và đêm). Ba bữa chính chiếm 60 – 65 %, khẩu phần ăn còn lại là 3 bữa phụ.

Đối chiếu bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm thông dụng để chọn thức ăn cho từng bữa và trong từng ngày:
• Loại có hàm lượng gluxit ≤ 5%: người bệnh có thể sử dụng hàng ngày, gồm các loại thịt, cá, đậu phụ (với số lượng vừa phải), hầu hết các loại rau xanh còn tươi và một số trái cây ít ngọt như: dưa bở, mận, nho ta, nhót chín…(có thể sử dụng không hạn chế)
• Loại có hàm lượng gluxit từ 10% – 20%: nên ăn hạn chế (mỗi tuần 3 – 4 lần với số lượng vừa phải) gồm một số hoa quả tương đối ngọt như: quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, xoài chín sữa đậu nành, các loại đậu quả (đậu vàng, đậu hà lan…).
• Loại có hàm lượng gluxit trên 20%: cần kiêng hay rất hạn chế sử dụng vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết, gồm các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô…). Riêng gạo là lương thực quen ăn hàng ngày thì cần khống chế số lượng từng bữa (không quá 70g/bữa chính).

Mặt khác còn cần quan tâm đến chỉ số đường huyết để lựa chọn thực phẩm cho bệnh nhân đái tháo đường. Chỉ số đường huyết là mức đường huyết 3 giờ sau khi ăn một lượng thức ăn nhất định nghiên cứu so sánh với mức đường huyết 3 giờ sau khi ăn một lượng thức ăn được coi là chuẩn (bánh mì trắng là 100%). Các loại glucid phức hợp mà thành phần có nhiều tinh bột thì chỉ số đường huyết vẫn cao.

Các loại thực phẩm có nhiều chất xơ, đặc biệt là loại chất xơ hòa tan có chỉ số đường huyết thấp. Người bị ĐTĐ nên chọn các thực phẩm có chỉ số dường huyết thấp để sử dụng.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia