X

Công dụng của nước vo gạo?

Nước vo gạo từ lâu đã được dân gian cho rằng có nhiều dưỡng chất nên nước vo gạo thường được dùng để làm đẹp da, mượt tóc như: rửa mặt, gội đầu, tắm, đánh răng… Bên cạnh đó nước vo gạo còn được biết đến với nhiều công dụng nữa như: khử độc cho rau củ, khử mùi tanh, khử mặn, giúp các loại rau khô mau mềm.

Dùng khử độc cho rau củ

Để hạn chế ngộ độc thuốc trừ sâu ở rau, bạn hãy ngâm rau vào nước vo gạo khoảng nửa giờ, sau đó rửa rau lại vài lần dưới vòi nước chảy hoặc bằng chậu to với nước sạch.

Dùng khử mặn cho cá khô

Để trữ được lâu, một số loại khô cá thường được ướp muối rất mặn. Do đó, trước khi chế biến, nên rửa sơ khô qua nước vo gạo , vừa giúp làm sạch bụi bẩn, vừa khử mặn, sau đó rửa sạch lại bằng nước sạch.

Dùng khử mùi tanh, hôi

Nếu trong quá trình chế biến thức ăn, tay bạn bị vấy bởi mùi tanh thịt cá thì tốt nhất nên rửa tay qua nước vo gạo, rồi mới rửa bằng xà phòng giúp khử hết mùi tanh, hôi và làm da tay mịn màng hơn. Xát muối, bóp sạch rồi lấy nước vo gạo rửa dạ dày, lòng heo (lợn, gà) giúp sạch sẽ, khi chế biến món ăn lại không có mùi hôi.

Giúp các loại rau khô mau mềm

Đối với các loại rau, củ khô như măng khô, mộc nhĩ, rong biển… chúng ta thường mất khá nhiều thời gian để ngâm cho mềm. Nhưng nếu dùng nước vo gạo thay vì nước lã để ngâm, rồi sau đó rửa sạch bằng nước sạch rau sẽ mềm mau hơn. Cách làm này còn có tác dụng giúp rau khi nấu sẽ nhanh nhừ và mùi vị cũng thơm ngon hơn.

Dùng làm nước rửa chén

Thông thường, với một ít chén đĩa không quá nhiều dầu mỡ thì để hạn chế sử dụng nước rửa chén có hóa chất tẩy, nếu có sẵn nước vo gạo, bạn hãy dùng nó như một loại nước rửa đặc biệt. Sử dụng chiếc giẻ mềm, bằng vải, có tính cọ xát tốt, kết hợp với nước vo gạo (mùa đông nên đun ấm lên) sẽ làm cho chén đĩa sạch nhanh chóng hơn, sau đó rửa kỹ lại bằng nước sạch. Bên cạnh đó, nước vo gạo còn được dùng để tưới hoa, cây cảnh, khử vết gỉ, bẩn, cáu bám trên chai lọ. Quần áo cất lâu ngày có vết mốc, hãy ngâm chúng vào nước vo gạo khoảng 15 phút, rồi giặt lại bằng nước sạch, vết mốc sẽ biến mất. Trước khi rửa dao thớt đem ngâm nó vào nước vo gạo khoảng 10 phút, sau đó rửa lại bằng nước rửa chén rồi rửa kỹ bằng nước sạch, vật dụng sẽ không còn mùi tanh hôi.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia