Các loại dưa món như hành củ, kiệu muối, su hào, cà rốt muối có vị chua ngọt rất dễ ăn. Nó có tác dụng giảm ngấy, kích thích vị giác tạo sự ngon miệng hơn khi ăn những món béo ngậy như thịt mỡ, bánh chưng…Chất xơ trong dưa món, củ kiệu có khả năng chống béo phì, cải thiện sự bài tiết cholesterol. Tuy nhiên các chuyên gia về phòng chống bệnh ung thư luôn khuyên nên hạn chế sử dụng thực phẩm muối, ủ chua như các loại dưa món, dưa chua, trong đó có hành củ, hành kiệu. Các loại thức ăn muối mặn như: Dưa, cà pháo, hành, kiệu muối…, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày do có chất Nitrosamin. Tuy nhiên ở những người ăn thường xuyên các thực phẩm đó thì mới có nguy cơ ung thư cao, còn nếu biết cách ăn uống vừa phải và ăn kèm với các thực phẩm chống ung thư như: rau xanh, hoa quả tươi, thì không có gì đáng ngại.
Đặc biệt cần lưu ý khi hành muối, kiệu muối để quá lâu bị nổi váng hoặc mốc đen thì tuyệt đối không nên dùng. Những vi nấm có trong các loại thực phẩm bị mốc đó, có thể đã sản sinh ra một số loại độc tố gây hại cho sức khỏe.
Dưa, cà muối chua có tác dụng kích thích tiêu hoá nhờ men lactic, ăn ngon miệng hơn, tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu ai đó có thói quen ăn dưa muối còn cay, đặc biệt là dưa khú hay cà muối sổi thì hãy cảnh giác. Bình thường trong rau cải hàm lượng nitrit chỉ còn ở dạng vết, nhưng khi muối dưa thì hàm lượng nitrit tăng lên trong vài ngày đầu do quá trình vi sinh khử nitrat có trong rau thành nitrit, nhưng nitrit giảm dần và mất hẳn khi dưa, cà đã chua (dưa chua vàng), nếu dưa bị khú thì hàm lượng nitrit rất cao. Khi nitrit đưa vào cơ thể sẽ tác dụng với amin bậc 2 có trong một số thức ăn như thịt, tôm, cá… đặc biệt là mắm tôm sẽ tạo thành hợp chất Nitrosamin có khả năng gây ung. Vì thế các chuyên gia khuyên rằng đối với hành củ, kiệu bị mốc nổi váng trắng thì có thể hớt bỏ váng, dùng nước ấm rửa sạch để ăn. Còn khi đã mốc nổi váng đen thì tốt nhất là không ăn. Đối với dưa, cà muối chỉ nên ăn khi đã muối chua, không ăn dưa, cà muối sổi hay dưa bị khú.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia