Cholesterol là thành tố chủ yếu của màng tế bào và cũng là yếu tố chính để tổng hợp các nội tiết tố như glucocorticoid, aldosteron (hormon tuyến vỏ thượng thận), các hormone tuyến sinh dục như progesterone, oestrogen, testosterone; vitamin D và acid mật. Khi lượng cholesterol quá cao trong máu sẽ không tốt cho sức khỏe và làm gia tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Có 2 loại cholesterol, loại xấu và loại tốt:
- Cholesterol lipoprotein (LDL) tỉ trọng thấp: thường được gọi là loại “xấu” hay “có hại”. Khi trong máu có quá nhiều cholesterol này, nó có thể kết hợp với chất béo và các chất
khác để tích tụ ở thành bên trong của động mạch, làm tăng quá trình xơ vữa động mạch. Động mạch có thể bị tắc nghẽn và hẹp lại, lưu lượng máu bị giảm đi. Nếu các mảng bám tích tụ này vỡ ra, thì ở chỗ đó có thể hình thành cục máu đông hoặc một mảnh vỡ có thể di chuyển trong dòng máu. Nếu một cục máu đông làm tắc dòng máu dẫn tới tim, thì sẽ gây ra đau tim, nhồi máu cơ tim. Nếu một cục máu đông làm tắc động mạch dẫn máu lên não hoặc động mạch trong não, thì sẽ dẫn đến đột quỵ hay tai biến mạch máu não. - Cholesterol lipoprotein tỉ trọng cao (HDL): được gọi là cholesterol “tốt”, làm nhiệm vụ vận chuyển ngược cholesterol từ trong máu và các mô về gan để gan loại trừ nó đi. Chính vì vậy mà khi tỷ lệ LDL/HDL lớn thì có nguy cơ tích tụ cholesterol ở thành mạch gây vữa xơ động mạch vì thiếu HDL, không vận chuyển được cholesterol về gan làm tăng nguy cơ bị bệnh mạch vành. Do hầu hết cholesterol huyết thanh là LDL-cholesterol cho nên cholesterol toàn phần tăng cũng là biểu hiện không tốt.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
0
0
đánh giá
Đánh giá bài viết