X

Chế độ ăn chay có đảm bảo đủ chất dinh dưỡng không?

Ăn chay là gì?

Thực tế, có nhiều loại ăn chay khác nhau trên thế giới. Nói chung có năm loại ăn chay là: (1) Ăn chay thuần tuý: không ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ loài động vật, (2) Ăn chay uống sữa bò nhưng không ăn trứng, (3) Ăn chay có trứng, (4) Ăn chay có sữa bò và trứng, (5) Ăn chay bán phần (partime vegetarians).

Trong chế độ ăn chay, thực phẩm dựa chủ yếu vào ngũ cốc, rau củ, quả. Một số chất dinh dưỡng (vikhoáng, vitamin, acid amin cần thiết…) chỉ có trong thức ăn nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, tôm…) mà không có trong thức ăn nguồn gốc thực vật (rau củ, quả, ngũ cốc) nên người ăn chay thường bị thiếu một số vi chất như sắt, kẽm, vitamin B12… và dễ có nguy cơ thiếu máu. Những người ăn chay thuần túy còn có thể bị thiếu canxi do không ăn những thực phẩm giàu canxi như sữa động vật (bò, dê, cừu), tôm, cua, cá….

Để đảm bảo sức khỏe, ăn chay cũng cần đúng cách. Ăn chay không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc béo phì và bệnh tiểu đường. Ăn chay với các món nhiều tinh bột như cơm chiên Dương Châu, mì xào giòn, rau cải xào nấm đông cô, phở áp chảo, chả giò làm từ bột mì, canh chua Thái  Lan… được nấu với một lượng khá nhiều dầu, đường, nước cốt dừa, bột ngọt…, các món này rất ngon miệng nên được nhiều người ưa chuộng nhưng lại là nguồn cung cấp năng lượng (Calori) lớn, dễ phát phì, không tốt cho sức khoẻ. Thêm vào đó, do thức ăn chay tiêu hóa nhanh, khiến người ăn có cảm giác mau đói, phải ăn thêm cơm, mì trong bữa chính hoặc ăn tăng cường thêm bữa phụ (như khoai lang, bánh ngọt, khoai tây chiên). Đây cũng là một nguyên nhân khiến người ăn chay tăng cân .

Khi ăn chay cần chú ý chọn lựa, phối hợp nhiều thực phẩm và bổ sung các vitamin, chất khoáng một cách hợp lý để không bị thiếu các acid amin thiết yếu,vitamin B12, năng lượng, kẽm, sắt, đặc biệt là ở người ăn chay tuyệt đối.

Nhiều đối tượng nên ăn chay, nhưng chỉ nên ăn chay phù hợp với nhu cầu mỗi người. Nếu là người lớn, khỏe mạnh bình thường, nên ăn chay một vài lần trong một tháng cho bộ máy tiêu hóa được “vệ sinh sạch sẽ” và còn có nhiều cái lợi cho sức khỏe. Những người mắc các bệnh tim mạch, gan, thận mà phải ăn chay để tránh cho bệnh nặng thêm thì cần phải thay đổi thực đơn thường xuyên để các món ăn chay bổ sung cho đủ chất và nên ăn pha thêm chút thịt, cá, trứng, sữa để bảo đảm dinh dưỡng.

Người ăn chay trường diễn như các bậc tu hành nếu là người khỏe mạnh bình thường, biết cách thay đổi món ăn cho đầy đủ chất, thì ăn chay không có vấn đề gì. Những người có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt, như trẻ em đang tuổi lớn, bà mẹ mang thai hay cho con bú, hoặc người bệnh mới lành, thì không nên ăn chay trường diễn vì sẽ bị thiếu dinh dưỡng.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, không nên ăn chay trường mà chỉ nên ăn chay 2 – 3 ngày trong tuần.

Người mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trẻ em đang thời kỳ phát triển, phụ nữ đang có thai và trong thời kỳ cho con bú…là những đối tượng không nên ăn chay.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia