X

Cân bằng trong mâm cơm nhà

Mâm cơm gắn liền với những khoảnh khắc đặc biệt mà ở đó những người thân trong gia đình được sum vầy với nhau qua một ngày học tập và làm việc mệt mỏi. Bữa ăn gia đình phải đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết, cân đối cho các thành viên trong gia đình từ người già đến trẻ nhỏ. Điều đó còn làm tăng thêm tình cảm, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Hiểu được ý nghĩa sâu sắc của mâm cơm gia đình, nhiều chị em nội trợ luôn cố gắng và cũng gặp không ít khó khăn trong việc lên thực đơn. Làm sao để thay đổi món mới mà vẫn đảm bảo tính đa dạng cân bằng, đồng thời phù hợp với sở thích của các thành viên?

Chính vì vậy, câu chuyện CÂN BẰNG TRONG MÂM CƠM NHÀ trong ALO AKIO số 9 đã “lên sóng” vào 9h – 10h sáng Chủ Nhật ngày 17/10/2021 với chia sẻ của Chef Dương Thị Hải Anh – một người đầu bếp chuyên nghiệp. Từng làm việc và quản lý tại các nhà hàng cao cấp và đạt nhiều giải thưởng dành cho đầu bếp chuyên nghiệp trong và ngoài nước, diễn giả Hải Anh còn có sự quan tâm đặc biệt và luôn chủ động tìm tòi, học hỏi thêm các kiến thức về dinh dưỡng chính quy, chuẩn khoa học.

 

Từ trải nghiệm đúc kết qua quá trình làm đầu bếp, diễn giả Hải Anh cho hay, lý do có câu chuyện này khởi nguồn từ mong ước đơn giản “Trong mâm cơm gia đình, mỗi người ngồi xuống đều biết mình ăn gì và ăn bao nhiêu cho phù hợp với cơ thể”. Và bài chia sẻ bắt đầu từ câu chuyện của chính bản thân chị. Vì niềm đam mê và thời gian dài miệt mài theo đuổi mục tiêu sự nghiệp đến quên mình, thử thách về sức khỏe ập tới chị chính là một hồi chuông cảnh báo. Nhờ áp dụng quá trình ăn uống cân bằng cho chính cơ thể của mình, tình trạng sức khỏe của chị đã hồi phục và tốt hơn rất nhiều.

Tại chương trình Đầu bếp Hải Anh chia sẻ gồm 5 nội dung chính:

Khái niệm về ăn uống cân bằng

Ăn uống không chỉ là một nhu cầu thiết yếu của con người mà còn thể hiện văn hóa, triết lý sống của một dân tộc, quốc gia. Bữa cơm chính là chìa khóa hạnh phúc của mỗi gia đình. Ăn uống cân bằng là một chế độ ăn uống bao gồm các loại thực phẩm khác nhau với số lượng và tỷ lệ nhất định, sao cho nhu cầu về calo, chất đạm, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng thay thế là đủ và một lượng nhỏ được dự trữ để bổ sung các chất dinh dưỡng trong thời gian ngắn.

Cân bằng nhóm chất

Cân bằng là không để xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu bất kì nhóm chất nào. Mỗi nhóm đều là nguyên liệu chính có vai trò quan trọng trong việc xây dựng tế bào. Nhóm này là đường dẫn là chìa khóa để hấp thụ nhóm khác. Nhóm chất đa lượng cấu thành phần lớn từ chế độ ăn và cung cấp năng lượng cho cơ thể bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường. Nhóm chất vi lượng là vitamin và khoáng chất, cơ thể cần với số lượng ít hơn so với nhóm đa lượng. Tuy nhiên chúng lại có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ sức khỏe. Đầu bếp Hải Anh rút ra 7 yếu tố quan trọng trong cân bằng dinh dưỡng là: chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ, dưỡng chất thực vật, vitamin & khoáng chất và cuối cùng là nước.

Cân bằng màu sắc

Vậy cân bằng dưỡng chất thực vật như thế nào ở trong mâm cơm nhà? Những dưỡng chất thực vật có màu sắc trong rau củ quả tương ứng với vai trò mà chúng đem lại: màu tím tốt cho bộ não, màu vàng cam tốt cho đôi mắt, màu đỏ tốt cho trái tim, màu trắng/xám tốt cho xương khớp và màu xanh tốt cho tế bào. Trong bữa ăn nên sử dụng đa dạng các loại thực phẩm và kết hợp chúng với nhau tạo ra tính hiệp đồng cho cơ thể.

Cân bằng âm dương, tứ khí và ngũ vị

Sau khi áp dụng cân bằng dinh dưỡng cho bản thân mình, đầu bếp Hải Anh luôn chủ động tìm tòi những kiến thức mới về Y học cổ truyền. Chị cho biết Tứ khí là nóng, lạnh, ấm, mát. Trong đó nóng và ấm là dương, lạnh và mát là âm. Thông qua chính các sắc màu của rau củ quả, chúng ta có thể biết được tứ khí của chúng. Những sắc màu nhạt là lạnh, mát còn những sắc màu thẫm thì nó là nóng, ấm. Theo y học cổ truyền, mỗi loại thức ăn đều có những tính chất riêng, được người xưa chia ra là “tứ khí” và “ngũ vị” cho nên cần chủ động lợi dụng các đặc tính về hàn nhiệt của thức ăn để điều chỉnh lại sự cân bằng của âm dương trong cơ thể. Về cân bằng ngũ vị thì người xưa tin rằng, ngũ hành tương sinh tương khắc, chuyển hóa qua lại là nguồn gốc của sự vận động vũ trụ và bên trong con người. Chính vì thế, nếu dinh dưỡng cân bằng được ngũ vị sẽ đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, ngũ tạng được bồi bổ sức khỏe dài lâu. Theo đó, vị đắng rất tốt cho tim, vị ngọt rất tốt cho tỳ, vị cay rất tốt cho phổi, vị mặn rất tốt cho thận và vị chua rất tốt cho gan. Nhưng tốt với một mức độ vừa phải và luôn “cân bằng”.

Cân bằng trong phương pháp nấu

Đây cũng sự cân bằng thiết yếu cần có trong mâm cơm nhà. Để có “mâm cơm nhà” đảm bảo cả về hình thức và chất dinh dưỡng. Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm tươi ngon, hợp vệ sinh thì người nội trợ cần phải chế biến đúng cách tránh thất thoát hàm lượng dinh dưỡng sẵn có và phù hợp với các độ tuổi, giúp cho bữa ăn đạt trọn vẹn dinh dưỡng cho thể chất và tinh thần. Phương pháp nấu được quy về 2 nhóm: Nhóm nấu ướt (chần, hấp, luộc, tiềm, om, hầm, kho) – những người lớn tuổi thường có xu hướng yêu thích nhóm này hơn. Nhóm thứ hai là nhóm nấu khô (quay, nướng, áp chảo, chiên, xào) – các bạn trẻ nhất là trẻ em thường thích những phương pháp nấu như vậy. Phương pháp nấu là một trong các yếu tố rất quan trọng trong cân bằng mâm cơm nhà bởi Nhà là nơi có Ông, có Bà, có Bố có Mẹ, có các Anh/Chị em và các cháu nhỏ. Nó không chỉ tác động tới sức khỏe thể chất mà nó còn tác động tới sức khỏe tinh thần của các thành viên trong gia đình.

Cân bằng cấu trúc

Khái niệm này vẫn có khá lạ lẫm. Cấu trúc thực phẩm liên quan tới cường độ lực cần để làm vỡ một sản phẩm thành những mảnh nhỏ. Trong miệng, chúng được cảm nhận bằng việc nén sản phẩm giữa hai hàm răng hoặc giữa lưỡi và vòm miệng. Bên cạnh đó đầu bếp Hải Anh đã lấy ví dụ về mức độ giòn của thực phẩm để cộng đồng có cái nhìn khái quát hơn.

Qua câu chuyện của Đầu bếp Hải Anh, ai cũng nhận thấy rằng những món ăn tưởng chừng rất đơn giản nhưng qua bàn tay của người nội trợ và con mắt bài trí của người đầu bếp, tuyệt nhiên trở thành nguồn năng lượng lớn không thể thiếu trong gia đình. Không cần “mâm cao, cỗ đầy”, bữa cơm gia đình cần được chế biến từ thực phẩm sạch, có đủ thành phần dinh dưỡng và ngon miệng. Cũng là cơm ấy, thịt ấy, cá ấy, rau quả ấy… nhưng nếu khéo chế biến gia giảm và tăng thêm tính thẩm mỹ trong việc chế biến món ăn, bữa cơm sẽ ngon hơn, giúp cho mọi thành viên gắn kết với nhau hơn. Có thể thấy, bữa cơm gia đình tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng lại chính là nơi gắn kết các thành viên, là nơi giữ “lửa” hạnh phúc của gia đình.

 

Video chương trình