Bệnh thoái hoá khớp (còn gọi là bệnh hư khớp) là một bệnh mạn tính, gây thoái hoá và biến dạng khớp do sự phá huỷ sụn khớp và hệ thống bao khớp – dây chằng, thường gặp ở các khớp chịu sức nặng của cơ thể.
Thoái hóa khớp là tình trạng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương. Tình trạng này gây đau nhức và cứng khớp, hạn chế cử động khớp. Tuy không gây tử vong nhưng bệnh ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt của người bệnh. Bệnh thường tấn công người già và phụ nữ, gây nên các cơn đau dữ dội và có thể dẫn đến tàn phế.
Chữa bệnh thoái hóa khớp nên lấy phương châm phòng là chính do đó người già nên quan tâm đến chế độ ăn uống. Cần ăn các thức ăn giàu canxi như sữa, trứng, tôm, cua, cá…, tốt nhất là cá, tôm nấu nhừ ăn cả xương. Chế độ sinh hoạt khoa học kết hợp với tập thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe, tập dưỡng sinh để tăng cường vận động cho xương khớp.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng bổ sung canxi cùng với vitamin D thậm chí trong một thời gian ngắn cũng có thể làm giảm nguy cơ bị gãy xương và thoái hoá khớp do loãng xương gây ra. Cần có thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời buổi sáng để tạo ra nguồn vitamin D hoạt động giúp sự hình thành và phục hồi xương.
Để điều trị thoái hoá khớp, thầy thuốc thường dùng phối hợp các thuốc hạn chế sự giảm mật độ xương, thuốc kích thích tổng hợp hormon nội sinh, trong một số trường hợp cần bổ sung thêm nội tiết tố như progesteron (đối với nữ) hay testosteron (đối với nam). Việc sử dụng thuốc cần có hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia