Trước đây, bệnh nhân ĐTĐ thường được cảnh báo hoàn toàn tránh ăn đường. Một số người còn nghĩ rằng ăn đường gây ra bệnh ĐTĐ. Giờ đây, những suy nghĩ như vậy không còn đúng nữa. “Ăn khoai tây luộc còn làm tăng đường máu nhiều hơn so với ăn đường kính khi dùng cùng một số calo như nhau. Điều tương tự cũng xảy ra với việc ăn cơm và bột mỳ trắng. Về công thức hóa học mà nói, khi ăn đường từ quả chín, sữa, sẽ có ít đường glucose hơn so với ăn cơm, khoai sọ hoặc miến dong. Đường kính là loại đường đôi, được kết hợp bởi 1 phân tử đường glucose và 1 phân tử đường fructose. Đường sữa cũng là loại đường nối đôi gồm 1 phân tử đường glucose và 1 phân tử đường lactose. 75% đường trong quả chín là đường fructose và glucose.
Do vậy dù ăn chất ngọt từ đường kính, đường sữa hay từ quả ngọt, ta cũng chỉ có một nửa lượng đường trực tiếp là đường glucose. Trong khi tinh bột (cơm, mỳ, khoai, ngô, sắn…) khi tiêu hóa xong chúng ta có 100% là đường glucose, vì tinh bột thực chất là các phân tử đường glucose nối với nhau, đường glucose là đường được hấp thu nhanh vào máu. Tốc độ tiêu hóa tinh bột khi ăn riêng rẽ nhanh hơn ta nghĩ nhiều. Hãy nhớ lại rằng nếu ta nhai cơm hơi lâu một chút trong miệng, men tiêu hóa của nước bọt (dù khá yếu) cũng đủ chuyển đổi tinh bột thành đường, thế nên ta cảm thấy ngọt ngay khi cơm còn trong miệng. Những nghiên cứu chỉ ra rằng: tổng số lượng carbonhydrat tác động nhiều nhất lên mức đường trong máu. Tuy nhiên loại carbonhydrat và cách chế biến thức ăn, thức ăn kèm theo cũng ảnh hưởng trực tiếp lên mức độ gia tăng đường máu. Ăn cơm rang với dầu ăn và thịt chắc chắn làm tăng đường máu sau ăn ít hơn ăn cơm không.
Ngày nay, các chuyên gia dinh dưỡng đồng ý rằng bệnh nhân ĐTĐ có thể ăn đường trong bữa ăn nhưng phải trừ bớt khối lượng các chất carbonhydrat. Ví dụ: nếu muốn ăn thêm 10g mật ong, hãy bớt đi lượng đường trong quả ngọt (1 quả chuối nhỏ) hoặc 1/3 bát cơm. Bệnh nhân ĐTĐ có thể được thưởng thức vị ngọt ngào của đồ ăn thức uống nhưng với lượng ít. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng ăn nhiều đường vì đường không phải là thực phẩm có nhiều chất bổ dưỡng, chúng cung cấp năng lượng nhưng thiếu đi vitamin, khoáng chất và chất xơ. Hơn nữa, thực phẩm có nhiều đường thường kèm theo nhiều calo và chất béo (như bánh ga-tô, bánh kem), đồng thời cũng dễ làm đường huyết tăng lên.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia