Người tiêu dùng hiện nay đã bắt đầu cảnh giác trước việc sử dụng bao bì bằng chất dẻo như nilon, hộp nhựa… để đựng thực phẩm vì nhiều loại bao bì bằng chất liệu này có chứa các hoá chất gây hại cho sức khoẻ. Nhưng ít người biết rằng, các loại bao bì giấy, nếu được làm bằng loại giấy tái chế cũng có thể nguy hiểm không kém gì bao bì bằng chất dẻo.
Trong quá trình tái chế, dù sử dụng công nghệ hiện đại, thì các chất hoá học độc hại như mực in, keo dán…vẫn không bị loại bỏ hết mà còn tồn dư một lượng nhất định trong các sản phẩm giấy mới. Nếu sử dụng loại giấy này làm bao bì thực phẩm khả năng nhiễm độc rất có thể xảy ra. Một trong các chất tồn dư nguy hiểm là Disobutyl phthalate (DHBP), một thành phần của mực và một số loại hoá chất dùng trong ngành in. DHBP có cấu trúc tương tự như các hormone nam nên có thể gây rối loạn hoạt động nội tiết ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính và khả năng sinh sản của con người.
Các xét nghiệm do Đại học Milan (Italia) thực hiện cho thấy nhiều mẫu hộp giấy đựng bánh Pizza chứa đến 70 mg DHBP. Người sử dụng thực phẩm đựng trong các loại hộp giấy này có khả năng nhiễm DHBP cao ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia