Thuốc kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi
Nhiều hộ chăn nuôi đang sử dụng các loại thuốc thú y cho gia súc, gia cầm không đúng cách với mục đích ngừa bệnh, tăng trọng. Những con vật này, sau khi mổ thịt được đưa ra thị trường thậm chí chưa hết thời gian thải loại độc tố, gây hậu quả cho sức khoẻ người tiêu dùng. để ngừa bệnh cho vật nuôi, người chăn nuôi thường trộn thuốc thú y trực tiếp vào thức ăn hoặc trộn các loại premix (thức ăn bổ sung thành phần có chứa các khoáng vi lượng, các vitamin và cả kháng sinh) cho vật nuôi ăn. Theo quy định, khi sử dụng các loại thuốc trên, phải tuân thủ thời gian ngưng phù hợp để cơ thể con vật có thời gian thải loại, tránh tồn dư kháng sinh, thuốc thú y trong thực phẩm. Nhưng thực tế thì không mấy người chăn nuôi tuân theo các quy định này. Theo các nhà Y học, việc ứng dụng rộng rãi các loại thuốc kháng sinh điều trị và sử dụng cho thú y nhằm thúc đẩy tăng trọng cho vật nuôi, làm cho hiện tượng kháng kháng sinh trở nên nguy hiểm. Lượng kháng sinh tồn dư trong thịt gia súc, gia cầm cao, sẽ chuyển hoá protein thành các histamine có thể gây nhức đầu cho người sử dụng, tác động gây hậu quả xấu tới hệ vi sinh vật đường ruột trong cơ thể người. Khi ăn thịt có dư lượng thuốc kháng sinh cao, sẽ tích luỹ và gây rối loạn chuyển hoá ảnh hưởng độc hại tới cơ thể. Trong cơ thể người có nhiều loại vi khuẩn, khi khoẻ mạnh, sức đề kháng còn tốt, chúng chưa đủ sức gây bệnh. Trong một điều kiện thuận tiện nào đó (khi cơ thể suy yếu), các vi khuẩn có sẵn trong cơ thể sẽ trở nên gây bệnh, nếu người nào dùng lâu các loại thực phẩm có dư lượng thuốc kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh sẽ nhờn thuốc.
Các hormon và những hợp chất kích thích giống hormon
Hormon sinh dục và những hợp chất có tác động giống với hormon sinh dục như thúc đẩy sự đồng hóa, tích lũy protein và chất béo (testosterone hormon sinh dục nam làm tích lũy nhiều protein, oestrogene hormon buồng trứng nữ làm tích lũy nhiều chất béo, trong cấu trúc đều chứa nhân Steroid) được một số nước châu Âu nghiên cứu ứng dụng vào thức ăn chăn nuôi làm tăng tái hấp thu nước, giúp vật nuôi lên cân nhanh. Những Steroid đồng hóa như: Diethylstilbestrol, Desamethasol… làm tăng trọng nhanh hơn từ 15 – 20%, hiệu quả lợi dụng thức ăn tốt hơn từ 10 – 15%.
Các hợp chất beta-agonist là các dẫn xuất tổng hợp của catecholamine (adrenaline- hormon tuyến thượng thận). Khi dùng trên động vật sản xuất thịt sẽ dẫn tới sự chuyển hướng số lượng lớn các chất dinh dưỡng từ mô mỡ về cơ, làm tăng sự tổng hợp protein thay vì mỡ, do đó nó có tác dụng làm tăng lượng thịt nạc và giảm lượng mỡ của cơ thể vật nuôi.
Nguy cơ đối với sức khỏe của người khi tiêu thụ thịt có tồn dư kích tố: Tại Mỹ những chất kích tố trên được sử dụng hợp pháp cho đến năm 1979. Sau đó người ta phát hiện thịt sản xuất có chất diethylstibestrol có liên quan đến một số bệnh ung thư trên người. Nguy cơ ung thư cơ quan sinh dục ở con gái của những người mẹ được điều trị hormon này trong thời gian có chửa rất cao. Năm 1980 tại Italia, người ta phát hiện ra sự tồn dư của chất này trong thịt bê đóng hộp cho trẻ con ăn đã gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Các trường hợp đàn ông có vú to như phụ nữ, người Pê đê (ái nữ) thường được quan sát thấy ở những trẻ em trong vùng sử dụngthức ăn có diethylstibestrol khi chúng còn nhỏ. Tác động gây độc cấp tính của các beta-agoniste đã được đề cập đến rất nhiều vụ ngộ độc trên người sau khi tiêu thụ gan, kể cả thịt có nhiễm chất clenbuterol, một dạng beta-agoniste. Các triệu chứng ngộ độc như run cơ, tim nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày.
Tiêm thuốc an thần vào cho heo trước khi giết mổ làm cho thịt dẻo hơn, tươi hơn, để lâu miếng thịt vẫn tươi ngon.
Chúng ta biết rằng thuốc Prozil mà chủ lò mổ đã sử dụng để tiêm cho heo trước khi giết mổ là tên thương mại của một loại thuốc thú y có chứa hai thành phần chính là Acepromazine và Atropin.
Acepromazine là chất có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương giúp an thần, chống căng thẳng, giúp thú bình tĩnh và giảm lo lắng, chống buồn nôn, thường được sử dụng kèm theo với các thuốc gây mê toàn thân được dùng trong các ca phẫu thuật.
Thuốc Atropin là một loại thuốc ức chế phó giao cảm, giúp giảm tiết dịch, giảm kích thích nhu động ruột, chống co thắt cơ trơn. Thuốc này được dùng trước khi gây mê phẫu thuật để tránh bài tiết quá nhiều nước bọt và dịch tiết ở đường hô hấp do tác dụng phụ của thuốc mê gây ra.
Đối với heo, nhất là những giống heo có nhiều nạc (heo siêu nạc) rất dễ bị stress trong lúc vận chuyển hoặc trước lúc giết mổ. Những stress này sẽ làm cho thịt heo lúc giết mổ bị chảy dịch nhiều, miếng thịt nhạt màu, có màu tái, thịt mềm nhũn, khô, không hấp dẫn người tiêu dùng. Nếu tiêm thuốc có chứa Acepromazine trước lúc vận chuyển hoặc giết mổ sẽ ngăn ngừa các stress nên những hiện tượng như rỉ dịch, nhạt màu, mềm nhũn của miếng thịt không xảy ra. Vì thế miếng thịt có màu đỏ tươi lâu, đưa tay vào miếng thịt thấy có độ dẻo và dính chặt vào tay, thấy miếng thịt ngon hơn và luôn có cảm giác là thịt tươi, như vậy sẽ hấp dẫn người tiêu dùng hơn và sẽ bán được giá cao hơn.
Mặc dù thuốc Acepromazine và Atropin là thuốc được sử dụng khá phổ biến trong thú y, không phải là chất cấm. Nhưng dù không phải là chất cấm nhưng vẫn không được phép sử dụng bừa bãi các thuốc này mà phải sử dụng đúng chỉ định và phải tuân thủ theo quy định của việc dùng thuốc thú y để không được phép còn tồn dư thuốc trong sản phẩm trước khi đem bán cho người tiêu dùng.
Đối với thuốc Acepromazine và Atropin thì thời gian ngừng thuốc trước khi giết mổ là 5-7 ngày. Đây là thời gian tối thiểu để thuốc đào thải hết khỏi cơ thể và không ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Nếu người tiêu dùng vô tình mua phải thịt heo có tiêm thuốc an thần vài giờ trước khi giết mổ, đây là những thịt heo có tồn dư thuốc với nồng độ cao vì chưa được bài thải ra khỏi cơ thể mà lại sử dụng loại thịt này lặp đi lặp lại có thể gây ra một số triệu chứng như giãn nở các mạch máu đưa đến hạ huyết áp, hô hấp chậm… Những triệu chứng này khá nghiêm trọng nhất là đối với những người già và trẻ em.
Làm thế nào để nhận biết thịt heo có tiêm thuốc an thần?
Người tiêu dùng bằng mắt thường thì khó mà nhận biết được những miếng thịt heo nào là có tồn dư thuốc an thần và kể cả một số thuốc khác. Tuy nhiên đối với những miếng thịt heo có màu sắc thật bắt mắt như đỏ tươi hơn, sờ tay vào thấy rất dính, thịt dẻo hơn, phần thịt ra sát tới da và rất ít mỡ thì đó là những dấu hiệu cho người tiêu dùng nghi ngờ là heo có sử dụng thuốc không đúng quy định.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia