Những người béo thường có tình trạng mỡ cao trong máu, rối loại Lipit máu mà trong đó HDL – cholesterol (loại cholesterol tốt) giảm; LDL – cholesterol (loại cholesterol xấu) và unghiride (một thành phần của lipit không tốt cho sức khỏe) tăng, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rối loạn mỡ máu không có triệu chứng cụ thể, nó tăng dần theo thời gian.
Khi có triệu chứng của tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường… thì đã là giai đoạn muộn.
Tình trạng mỡ máu cao tiến triển là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành và các tai biến khác. Đáng lưu ý, người béo bụng (béo trung tâm), người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp 3 – 4 lần so với người có chỉ số cân nặng bình thường.
Với người trưởng thành mắc hội chứng chuyển hóa, tùy thuộc mức độ, tình trạng sẽ có chỉ định điều trị. Việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, không hút thuốc lá sẽ cải thiện tích cực, có hiệu quả việc thừa cân và rối loạn mỡ máu.
Việc điều trị rối loạn lipit máu bao gồm phương pháp không uống thuốc là thay đổi lối sống và chế độ ăn hợp lý, bỏ hút thuốc lá. Nhìn chung, bệnh rối loạn lipit máu là bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài.
Giảm cân sẽ làm giảm được sự rối loạn lipid máu ở bệnh nhân thừa cân và có lợi đối với các bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp… Giảm cân bằng cách ăn kiêng, tăng cường tập luyện thể dục, giảm lượng rượu hằng ngày ở những người nghiện rượu, giảm ăn muối, bỏ thuốc lá ở những người hút thuốc.
Phương pháp kết hợp uống thuốc: thực hiện biện pháp ăn kiêng, luyện tập, lối sống năng động… mà lượng cholesterol máu vẫn không giảm đến mức độ cần thiết, lúc đó cần phải uống thuốc theo chỉ dẫn cẩn thận của bác sĩ. Các thuốc giảm cholesterol máu rất có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ gây ra bệnh động mạch vành. Những người trên 45 tuổi nên kiểm tra lipit máu định kỳ 6 tháng 1 lần. Kiểm tra lipid máu cho những người trẻ tuổi hơn nếu có các yếu tố nguy cơ khác như bị tăng huyết áp, có hút thuốc lá, tiền sử có người ruột thịt trong gia đình bị bệnh động mạch vành. Trẻ em thường không cần kiểm tra lượng lipid máu trừ khi bị bệnh đái tháo đường.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia