Vitamin A có rất nhiều chức phận trong cơ thể, trước hết là có vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng. Trẻ em cần Vitamin A để phát triển bình thường.
Vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng để chống lại sự xâm nhập của vikhuẩn, virut và các yếu tố bất lợi.
Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt và các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, tuyến nước bọt, niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu….
Vitamin A tham gia trong cấu trúc của các tế bào thị giác gồm tế bào hình nón có vai trò với quá trình nhìn khi ánh sáng tỏ và tế bào hình que có vai trò với quá trình nhìn khi ánh sáng yếu. Do vậy
vi- aminA rất cần thiết đối với sự nhìn thấy của mắt.
Các biểu hiện khi trẻ bị thiếu vitamin A
Thiếu vitamin A nhẹ làm giảm sự phát triển cơ thể trẻ, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (tiêu chảy) và nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm đường hô hấp). Thiếu vitamin A nặng ngoài việc làm giảm sức đề kháng của cơ thể, trẻ kém phát triển còn gây nên các tổn thương ở mắt. Các tổn thương đó nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Triệu chứng lâm sàng của thiếu vitamin A tiến triển như sau:
Biểu hiện sớm nhất là quáng gà: quáng gà là hiện tượng giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng. Khi chiều chập choạng tối (lúc gà lên chuồng), trẻ mắc bệnh thường trở nên nhút nhát, chỉ ngồi yên tại chỗ. Những đứa trẻ lớn hơn khi bị bệnh thường đi lại khó khăn vào buổi tối, hay vấp ngã, hay va vấp vào những đồ vật để trong nhà như nồi niêu, bàn ghế; đi lại trong nhà phải lần tường do nhìn không rõ. Những trẻ bé hơn chưa biết đi thì không biết tìm nhặt nhặt đồ chơi vào buổi tối, không biết tìm và cầm đúng thức ăn khi mẹ đưa cho mà phải quờ quạng, tối đến trẻ có thể theo người khác tưởng nhầm là mẹ…. Nếu trẻ được phát hiện sớm thiếu vitamin A ở giai đoạn quáng gà và được điều trị ngay bằng vitamin A liều cao thì bệnh sẽ khỏi nhanh chóng sau 2-3 ngày và mắt được bình phục hoàn toàn. Nếu bỏ qua giai đoạn quáng gà, mắt trẻ sẽ chuyển sang các giai đoạn nặng hơn đó là xuất hiện vệt Bitot, khô giác mạc, rồi đến loét nhuyễn giác mạc và mù lòa vĩnh viễn.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia