X

Vì sao người cao tuổi dễ bị thiếu vitamin B12 dẫn đến thiếu máu?

Thiếu máu là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp nhất ở người cao tuổi. Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra thiếu máu ở nhóm tuổi này trong đó có 5 – 7% các trường hợp là do thiếu hụt vitamin B12 (Cobalamin). Thiếu vitamin B12 khá phổ biến ở người cao tuổi nhưng dễ bị bỏ sót do biểu hiện lâm sàng thường không đặc hiệu. Bên cạnh các bệnh lý mạn tính ở đường tiêu hóa như thiếu yếu tố nội ở dạ dày, viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, loạn khuẩn đường ruột và bệnh Crohn, sự giảm khả năng hấp thu vitamin B12 từ thức ăn như một biểu hiện của sự lão hóa là nguyên nhân quan trọng gây thiếu B12 ở người cao tuổi.

Vitamin B12 là một trong những nguyên liệu cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu, thiếu hụt vi chất này có thể cản trở sự trưởng thành của các hồng cầu và gây ra tình trạng thiếu máu trong khoảng 60% các trường hợp. Thiếu máu do thiếu vitamin B12 thường là thiếu máu hồng cầu to, nhưng ở người cao tuổi, kích thước hồng cầu có thể bình thường hoặc nhỏ. Thiếu vitamin B12 được chẩn đoán khi nồng độ Cobalamin huyết thanh thấp hơn 258 pmol/L. Để phòng chống thiếu vitamin B12, Bữa ăn của người cao tuổi cần có đủ thức ăn giàu loại vitamin này như: gan, thịt, cá, tôm, cua, sữa…(Vitamin B12 chỉ có trong những thực phẩm có nguồn gốc động vật). Những người ăn chay trường có nguy cơ bị thiếu vitamin B12 nặng hơn. Việc bổ sung vitamin B12 có thể được thực hiện bằng đường uống hoặc tiêm truyền nhưng cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Không dùng vitamin B12 cho bệnh nhân có khối u (đặc biệt là ung thư).

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia