Theo phân tích, trong 100g cà chua có 2,6mg đường, 12mg canxi, 275mg kali, 1,4mg sắt, 0,4mg carotene, một số vitamin B1, B2, C, P và các axit hữu cơ. Đặc biệt, hầu hết các vitamin trong cà chua không bị mất đi trong quá trình chế biến, nấu nướng thông thường. Màu đỏ của cà chua khi chín cũng cho thấy hàm lượng caroten (khi vào cơ thể có thể sẽ chuyển thành Vitamin A) trong cà chua rất cao, trung bình một quả cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được một lượng thiết yếu vitamin và muối vô cơ cho cơ thể. Các axit hữu cơ trong cà chua có tác dụng bảo vệ lượng vitamin của cà chua ít bị phân hủy trong quá trình đun nấu.
Một số nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh, cà chua có tác dụng giảm huyết áp, giảm lượng cholesterol trong máu, từ đó sẽ ngăn chặn được tình trạng xơ vữa động mạch và các nguy cơ dẫn tới đột quỵ. Cà chua có tác dụng kích thích tiết ra nước bọt, để trợ giúp cho quá trình tiêu hóa của cơ thể được dễ dàng. Khi thời tiết nóng bức, trong người thấy khô háo, nếu sử dụng cà chua nấu canh sẽ giúp cho người khoan khoái, dễ chịu, giúp ăn ngon miệng hơn. Cà chua có tác dụng phòng chống một số căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới vì trong cà chua có chứa Lycopene – đây là chất có tác dụng chống ôxy hóa rất quan trọng, ngăn ngừa sự phát triển một số tế bào có nguy cơ gây ung thư.
Cà chua chưa chín có chứa số lượng lớn các yếu tố “alkaloid” nếu tiêu thụ sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng ngộ độc do ăn cà chua xanh thường là: khi ăn vào miệng có vị chát, sau khi ăn sẽ có biểu hiện trúng độc là buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, yếu sức, mệt mỏi và các triệu chứng khác… thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Khi cà chua chín, các chất độc hại trong cà chua có tên là “alkaloid” sẽ giảm dần và sẽ biến mất trong cà chua chín đỏ. Vì vậy không nên dùng cà chua xanh để chế biến món ăn nếu để ăn sống thì càng không nên.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia