Người xưa có câu “khôn ăn cái, dại ăn nước”, thế nhưng nhiều bà mẹ, ông bố cho rằng khi hầm thịt, hầm xương, nấu canh rau… chất bổ ra hết nước nên chỉ cho con ăn nước. Đã có nhiều bà mẹ phàn nàn: “Bác sĩ ơi! em cho cháu ăn chẳng thiếu thứ gì, mất bao nhiêu công ninh nấu, mà sao cháu chẳng lên cân, da xanh nhợt, chẳng biết đi, biết đứng gì cả”. Khi hỏi cách chế biến thức ăn cho trẻ thì hầu hết các bà mẹ này đều chỉ hầm thịt, xương lấy nước nấu bột hay nấu cháo cho trẻ ăn, có khi lượng thịt và lượng xương cho vào hầm rất nhiều (vài trăm gam), nhưng chỉ lọc lấy nước sử dụng cho trẻ còn phần cái bỏ đi. Muốn có rau để tăng cường vitamin trong khẩu phần, nhiều ông bố/bà mẹ cũng chỉ lấy nước luộc rau hoặc canh nấu rau để chế biến bữa ăn cho trẻ. Lý do họ làm vậy vì sợ trẻ không ăn được, sợ bị hóc thức ăn và rất yên tâm là các chất dinh dưỡng đã thôi ra hết nước ninh, hầm, luộc rồi. Nếu chỉ cho con ăn phần nước ninh, hầm, luộc của thực phẩm thì chắc chắn trẻ sẽ bị còi xương, suy dinh dưỡng.
Cần phải cho trẻ ăn cả nước lẫn cái của thức ăn
Thực ra, trong nước thịt, nước xương hầm có nhiều nitơ, một số rất ít các axit amin hòa tan trong nước…, tuy tạo được hương vị thơm ngon, kích thích sự thèm ăn nhưng lại có rất ít đạm và canxi. Phần lớn chất đạm và các thành phần quan trọng vẫn nằm ở bã thịt, nếu trẻ chỉ ăn nước thịt sẽ bị thiếu chất đạm, thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu. Khi ninh, hầm xương, canxi hoà tan trong nước rất ít, nếu trẻ chỉ được ăn nước ninh, hầm sẽ bị thiếu canxi và dễ bị còi xương. Còn nước luộc rau, canh rau chỉ có một ít vitamin hoà tan trong nước (vitamin C, vitamin B1…) với lượng không đáng kể. Hơn nữa, nếu chỉ cho ăn nước rau sẽ thiếu chất xơ dẫn đến trẻ bị táo bón, không hấp thu được thức ăn, trẻ khó chịu, dễ bị thiếu dinh dưỡng.
Trong những năm đầu đời, cân nặng và chiều cao của trẻ phát triển rất nhanh. Do vậy, nhu cầu dinh dưỡng tính theo cân nặng của trẻ cao hơn hẳn người lớn. Nếu chỉ luộc hoặc ninh, hầm thức ăn rồi lấy nước nấu bột, nấu cháo trẻ sẽ không đủ dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn cả phần cái các loại thức ăn bằng cách nghiền, xay hoặc băm nhỏ. Tất cả các thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, canxi, phốtpho, vitaminA, sắt, kẽm… (giúp tạo dựng cấu trúc tế bào của các tổ chức và tham gia vào nhiều hoạt động chức năng cơ thể) đều nằm trong phần cái của thức ăn. Như vậy, câu nói của ông bà ta “khôn ăn cái, dại ăn nước” quả là không sai!
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia