Kẽm là nguyên tố khoáng vi lượng, chỉ chiếm 150mg đến 250 mg tức là khoảng vài phần triệu trọng lượng cơ thể nhưng nó lại có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của con người nói chung và trẻ em nói riêng.
Lượng kẽm trong cơ thể phân bố là 50% trong cơ bắp, 20% trong xương, 30% còn lại trong não, võng mạc, tiền liệt tuyến. Chính vì 70% kẽm có trong cơ bắp và xương nên nó có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển về mặt thể chất, nhất là chiều cao của trẻ.
Kẽm có vai trò sinh học rất quan trọng là tác động chọn lọc lên quá trình tổng hợp, phân giải acid nucleic và protein. Kẽm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp làm lành vết thương và giúp duy trì vị giác và khứu giác, Kẽm tham gia vào hàng trăm các enzym chuyển hóa trong cơ thể, vì vậy khi thiếu kẽm trẻ thường biếng ăn chậm lớn, chậm phát triển chiều cao, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa… do giảm sức đề kháng. Đối với trẻ em, kẽm giúp cho sự sinh trưởng và phát triển bình thường của trẻ trong giai đoạn mang thai, tuổi thơ và cả vị thành niên. Việc thiếu kẽm ở trẻ có thể dẫn chậm phát triển thể lực, chậm phát triển tâm thần, mắc các bệnh về da và niêm mạc, dễ bị nhiễm khuẩn, biếng ăn, suy dinh dưỡng… Không chỉ vậy, khi thiếu kẽm, cơ thể trẻ cũng sẽ kéo theo sự thiếu hụt hoặc rối loạn chuyển hóa của nhiều yếu tố, ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe.
Theo tổ chức Y tế thế giới, nhu cầu kẽm của trẻ 5 – 12 tháng tuổi là 5-8 mg/ngày; trẻ 1-10 tuổi là 20-25mg/ngày. Việc hấp thu kẽm còn tùy theo giá trị sinh học của khẩu phần. Bữa ăn có nhiều thịt, cá, tôm (đạm động vật) thì trẻ hấp thu được nhiều kẽm hơn. Quan trọng nhất là cho trẻ ăn, uống đủ dinh dưỡng và đủ kẽm sẽ giúp trẻ phát triển tốt. Các thức ăn có nhiều kẽm như sò, củ cải, thịt, gan, trứng, sữa, cá, tôm…
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia