Bia rượu là những đồ uống có chứa một lượng cồn Etylic (dưới 15% cho bia và có thể lên 40 – 45% cho rượu). Tác dụng của bia rượu thường là có hại cho sức khoẻ hơn là có lợi. Cồn cũng có tác dụng sinh năng lượng nhưng đó là năng lượng rỗng không có giá trị dinh dưỡng. Rượu cũng được dùng làm dung môi và dẫn chất cho một số bài thuốc đông y (ngâm rượu thuốc), hoặc dùng một liều nhỏ có tác dụng kích thích khai vị. Bia với một hai ly/ngày được chứng minh là một cách thư giãn, giúp bạn có trạng thái hung phấn. Bia cũng có một số vitamin và khoáng chất như vitaminB2, B6, selen, magiê nhưng với hàm lượng thấp so với các thức ăn khác. Nhưng mặt hại mà rượu, bia gây cho sức khoẻ thì có nhiều: uống rượu, bia nhiều gây các ngộ độc mạn tính: xơ gan, suy nhược thần kinh, run tay, trí nhớ giảm, tăng viêm loét dạ dày – ruột, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, dễ gây đột quỵ do tổn thương mạch vành và các mạch máu não. Ở phụ nữ có thai dễ gây sảy thai, thai kém phát triển, thai chết lưu, người nghiện rượu còn hay bị các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng yếu. Về mặt xã hội, rượu bia gây nhiều tai nạn giao thông, mất trật tự trị an,, ảnh hưởng không tốt tới hạnh phúc gia đình, giảm năng suất lao động. Việc uống bia nhiều còn dẫn đến nhiều điều hại khác: không chỉ gây say xỉn, làm tăng tích tụ mỡ dưới da và lượng mỡ trong máu tăng, bạn sẽ bị “nở vòng eo” do thừa năng lượng tăng nguy cơ bị xơ mỡ động mạch, tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường. Khi đã quá chén, nếu sinh hoạt tình dục và thụ thai, bào thai sẽ bị rượu, bia gây tác động xấu.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia