Tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ trong quá trình mang thai biểu hiện qua mức tăng cân. Mức tăng cân của mẹ có tương quan chặt chẽ tới cân nặng của trẻ khi sinh. Mẹ tăng cân ít có nguy cơ đẻ con có cân nặng dưới 2500g (suy dinh dưỡng bào thai). Nhưng nếu tăng cân quá nhiều cũng không tốt cho cả mẹ và thai nhi.
Mức tăng cân phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi của bà mẹ và tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai.
Phụ nữ Việt Nam cần đạt mức tăng cân trong thời kỳ 9 tháng mang thai khoảng từ 10 – 12kg, trong đó: 3 tháng đầu tăng 1 kg, 3 tháng giữa tăng 4 – 5kg và 3 tháng cuối tăng 5 – 6kg. Nếu 3 tháng cuối tăng dưới 4 kg thì người mẹ cần tăng cường ăn uống bồi dưỡng nghỉ ngơi. Ngược lại, nếu tăng cân quá mức, tăng từ 18 – 20kg trong 9 tháng mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối, nếu mỗi tháng tăng trên 2 kg thì không tốt. Hậu quả của tăng cân quá nhiều khi mang thai là: thai to quá khó sinh, con bị béo phì và nguy cơ mắc đái tháo đường bẩm sinh, mẹ dễ bị trĩ, rạn bụng, són đái, đau lưng, đau chân, phù chân, có nguy cơ cao bị các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, nguy cơ tiền sản giật. Chính vì thế, khi mang thai, các bà mẹ cần có một chế độ ăn uống phù hợp, đủ dinh dưỡng để điều chỉnh mức tăng cân hợp lý.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia