Trẻ suy dinh dưỡng (SDD) thường kém ăn và hay bị rối loạn tiêu hóa. Vì vậy phải cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để đảm bảo số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường.
Trẻ dưới 6 tháng: tăng cường cho con bú mẹ, trẻ lười bú nên vắt sữa mẹ đổ thìa, nếu không đủ sữa mẹ cho ăn sữa công thức cao năng lượng (1ml sữa cung cấp 1Kcalo).
- Trẻ 6 – 12 tháng: ngoài bú mẹ cần ăn thêm 2 – 3 bữa ăn dặm, nếu không đủ sữa mẹ cho ăn sữa công thức cao năng lượng (1ml sữa cung cấp 1Kcalo). Mỗi ngày nên uống 400 – 500ml sữa nếu không có sữa mẹ.
- Đối với trẻ từ 1– 2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ ngày. Mỗi ngày nên uống 400 – 500ml sữa nếu không có sữa mẹ (sữa cao năng lượng).
- Đối với Trẻ từ 3 – 5 tuổi cần ăn 5 – 6 bữa/ ngày và 500ml sữa.
Trong chế độ ăn, ngoài gạo để nấu bột, cháo, hoặc cơm thì cần phải có thêm thịt, cá, trứng, tôm, hải sản, đậu đỗ, rau xanh và dầu mỡ. Cho ăn thêm hoa quả chín vào các bữa phụ xen kẽ các bữa chính.
Một số trẻ có chế độ ăn thiếu năng lượng do bị ăn kiêng, vì vậy nên cho dầu mỡ quấy vào bột cháo hoặc vào canh, rau xào nấu cho trẻ ăn… để tăng đậm độ nhiệt trong bữa ăn của trẻ. Ngoài ra có thể dùng phương pháp hóa lỏng thức ăn bằng enzyme trong các hạt nảy mầm (giá đỗ, mạch nha) để làm tăng đậm độ năng lượng trong bữa ăn, giảm số lượng ăn trong 1 bữa.
Với trẻ trên 6 tháng nên cho trẻ ăn thêm sữa chua với lượng vừa phải (từ 1/2 đến 1 hộp ) mỗi ngày sau bữa ăn chính đều đặn.
Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.
Quần áo mặc cho trẻ cần chọn đồ cotton, dễ thấm và không chật. Nơi ở của bé cần sạch sẽ, thoáng mát, sáng. Cần cho bé ra ngoài tắm nắng 15 – 20 phút buổi sáng (khoảng 8- 9h) những ngày có nắng.
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia